You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (4)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (4)

Chúa Giê-su Chịu Phép Báp-tem

Ma-thi-ơ 3:13 – 17

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Trong bài giảng trước chúng ta đã thấy rằng Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng, người kêu gọi dân chúng phải ăn năn hối cải, vì vương quốc Thiên Đàng đã đến gần! Nhiều người đến cùng Giăng, họ xưng tội mình và chịu người làm phép báp-tem dưới sông Giô-đanh.

Hôm nay chúng ta sẽ tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp Ma-thi-ơ 3:13 – 17.

Ma-thi-ơ 3:13 – 17 13 Thế rồi Chúa Giê-su từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, để chịu Giăng làm phép báp-tem. 14 Nhưng Giăng ngăn cản Chúa rằng: “Chính tôi cần phải chịu ngươi làm phép báp-tem, mà sao ngươi lại đến cùng tôi?” Chúa Giê-su đáp rằng: 15 “Bây giờ cứ làm như vậy đi, vì chúng ta làm trọn vẹn mọi sự công nghĩa như thế là hợp lễ.” Giăng bèn vâng lời người. 16 Vừa khi chịu phép báp-tem xong, Chúa Giê-su liền ra khỏi nước. Kìa, bầu trời mở ra, Chúa thấy Thánh Linh của Chúa Trời giáng xuống như chim bồ câu và đậu trên Chúa. 17 Kìa, có tiếng nói từ trên trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của ta, ta rất hài lòng về người.”

Chúa Giê-su Chẳng Nhận Biết Tội Lỗi

Tại sao Chúa Giê-su phải chịu phép báp-tem? Loài người chúng ta cần phải ăn năn hối cải rồi chịu phép báp-tem, tại vì chúng ta đều đã phạm tội. Nhưng Chúa Giê-su chưa hề phạm một tội lỗi nào cả, Chúa là hoàn toàn trọn vẹn. Nếu Chúa có phạm bất cứ một tội lỗi nào, cho dù là một tội rất nhẹ, thì Chúa không thể cứu chuộc chúng ta được.

2 Cô-rinh-tô 5:21 21 Chúa Trời đã làm cho đấng vốn chẳng nhận biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta được trở nên sự công nghĩa của Chúa Trời ở trong người.

Đấng vốn chẳng nhận biết tội lỗi tức là Chúa Giê-su. Xin các bạn để ý, hai chữ “nhận biết” ở đây không phải chỉ là một sự hiểu biết trong đầu óc thôi, mà đó là một sự nhận biết qua kinh nghiệm.

Sự hiểu biết trong đầu óc thì khác biệt với sự nhận biết qua kinh nghiệm. Thí dụ ta biết lịch sử, địa lý, đó là sự hiểu biết trong đầu óc. Ta biết làm toán cộng, trừ, nhân, chia, đó là sự hiểu biết trong đầu óc. Nhưng hai chữ “nhận biết” trong câu Kinh Thánh này không phải là sự hiểu biết trong đầu óc.

Trong nguyên văn Hy lạp, từ ngữ “nhận biết” là “γινώσκω” (ghi-nu-s-khu). Chữ “γινώσκω” là nhận biết qua kinh nghiệm, có nghĩa là ta nhận biết một điều gì khi ta thật sự kinh nghiệm điều đó.

Thí dụ: Những người nông dân nhận biết trồng trọt cầy cấy, sự nhận biết của họ là sự nhận biết qua kinh nghiệm, vì họ đã cầy cấy suốt đời. Còn tôi chỉ hiểu sơ sơ về trồng trọt cầy cấy, tôi đã học ở trường về lý thuyết của cầy cấy, nhưng tôi chưa hề thật sự trồng cái gì cả, cho nên sự hiểu biết của tôi chỉ là sự hiểu biết trong đầu óc thôi. Và lẽ dĩ nhiên sự nhận biết của những người nông dân về trồng trọt cầy cấy thì chắc là sâu xa hơn sự hiểu biết của tôi rất nhiều.

Hai chữ “nhận biết” (γινώσκω) trong câu Kinh Thánh này là nói về sự nhận biết qua kinh nghiệm. Câu Kinh Thánh này nói rằng Chúa Giê-su chẳng nhận biết tội lỗi, có nghĩa là Chúa không có kinh nghiệm về tội lỗi. Hay nói một cách khác là Chúa chẳng hề phạm tội lỗi bao giờ cho nên Chúa không nhận biết tội lỗi.

Vậy tại sao Chúa Giê-su lại phải chịu Giăng làm phép báp-tem? Chính Giăng cũng muốn ngăn cản Chúa, người nói rằng: “Chính tôi cần phải chịu ngươi làm phép báp-tem, mà sao ngươi lại đến cùng tôi?” Chúa Giê-su đáp rằng: “Bây giờ cứ làm như vậy đi, vì chúng ta làm trọn vẹn mọi sự công nghĩa như thế là hợp lễ.”

Chúa Giê-su phải chịu phép báp-tem không phải vì Chúa đã phạm tội lỗi, mà là để làm trọn mọi sự công nghĩa. Câu nói này mang một ý nghĩa rất sâu xa. Bây giờ tôi sẽ giải thích cho các bạn từng bước một.

Chúa Giê-su Phải Giống Như Chúng Ta Trong Mọi Sự

Kinh Thánh dạy rằng Chúa Giê-su phải giống như chúng ta trong mọi sự.

Hê-bơ-rơ 2:16 – 17 16 Vì quả thật người không phải giúp đỡ các thiên sứ, mà là giúp đỡ dòng dõi của Áp-ra-ham. 17 Bởi vậy người phải chịu làm nên giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho người trở nên thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng thương xót và trung tín đối với Chúa Trời để đền tội cho dân chúng.

Chúa Giê-su không phải giúp đỡ các thiên sứ, mà là giúp đỡ dòng dõi của Áp-ra-ham. Dòng dõi của Áp-ra-ham tức là người dân của Chúa Trời. Chúa muốn giúp đỡ người dân của Chúa Trời, thì Chúa phải làm nên giống như chúng ta trong mọi sự.

Tại sao Chúa phải giống như chúng ta trong mọi sự rồi Chúa mới có thể giúp đỡ chúng ta vậy? Bởi vì khi Chúa giống như chúng ta trong mọi sự, thì Chúa hiểu rõ thông cảm với đau khổ khó khăn của ta, rồi Chúa mới có thể giúp đỡ chúng ta.

Tôi lại lấy cái thí dụ về trồng trọt cầy cấy. Tôi không nhận biết trồng trọt cầy cấy qua kinh nghiệm, tôi chỉ biết lý thuyết thôi. Tôi theo học ngành computer science tức là khoa học về máy tính điển tử. Giả tỷ tôi muốn chế tạo một cái máy cầy do máy tính điển tử điều khiển để cải thiện việc cầy cấy. Các bạn nghĩ rằng tôi có thể chế tạo một cái máy cầy hữu hiệu và thật dụng không? Hẳn là không! Tại sao? Tại vì tôi không có kinh nghiệm về trồng trọt cầy cấy, cho nên tôi không cách nào chế tạo được một cái máy để cải thiện việc trồng trọt cầy cấy. Vì tôi không hiểu rõ khó khăn của nông dân, cho nên tôi không thể giúp đỡ họ được. Nếu tôi muốn chế tạo ra một cái máy để giúp đỡ người nông dân, thì đầu tiên tôi phải thật sự bắt tay vào việc cầy cấy, sau khi tôi hiểu rõ những khó khăn của nông dân, rồi tôi mới có thể tìm cách chế tạo một cái máy để cải thiện việc cầy cấy được.

Tương tự như vậy khi Chúa Giê-su là giống như chúng ta trong mọi sự, Chúa thông cảm với ta, và Chúa trở nên một thầy tế lễ thượng phẩm đầy dẫy thương xót với đau khổ của ta.

Bởi vì loài người chúng ta đều đã phạm tội, chúng ta cần phải ăn năn hối cải rồi chịu phép báp-tem, cho nên Chúa Giê-su cũng chịu phép báp-tem cho dù Chúa không có phạm một tội lỗi nào cả. Đó là lý do thứ nhất tại sao Chúa Giê-su phải chịu phép báp-tem.

Chúa Giê-su Tiếp Tục Tự Hạ Mình Xuống Đến Chỗ Thấp Hèn Nhất Trên Thế Gian

Chẳng những thế, khi Chúa Giê-su chịu Giăng làm phép báp-tem, Chúa tự hạ mình xuống thấp hơn Giăng. Bởi vậy chính Giăng cũng thấy khó mà chấp nhận điều này, người nói rằng: “Chính tôi cần phải chịu ngươi làm phép báp-tem, mà sao ngươi lại đến cùng tôi?”

Thật ra đây chỉ là một trong những bước đầu tiên trong việc tự hạ mình xuống của Chúa Giê-su.

Khi chúng ta tra khảo về cuộc đời và việc làm của Chúa Giê-su, ta thấy ngay từ lúc ra đời Chúa đã ở trong địa vị thấp hèn. Chúa sinh ở trong chuồng chiên máng cỏ, đó là một chỗ cho các súc vật ở, rất dơ bẩn hôi thối. Rồi ông vua của xứ Giu-đê muốn giết hại Chúa, cho nên Chúa còn chưa đến hai tuổi thì cha nuôi Giô-sép phải dắt Chúa và mẹ Chúa là Ma-ri chạy trốn qua nước Ê-díp-tô (tức là nước Ai-cập ngày nay). Về sau khi ông vua chết đi rồi, cho dù họ cũng có thể về nước, nhưng cả gia đình vẫn không dám trở về quê hương, họ phải ở trong thành Na-xa-rét là một thành phố nghèo nàn lạc hậu. Khi Chúa lớn lên, Chúa bị người ta khinh miệt gọi Chúa là người Na-xa-rét.

Trước khi Chúa bắt đầu truyền giảng Tin Lành, Chúa tình nguyện chịu phép báp-tem như một người tội nhân cho dù Chúa không hề phạm một tội lỗi nào cả. Chúa tự hạ mình xuống như một người tội nhân để chịu Giăng làm phép báp-tem.

Sau đó Chúa tiếp tục tự hạ mình xuống. Thí dụ: Chúa kết bạn với những người thâu thuế. Hồi đó người thâu thuế bị người ta coi thường khinh miệt. Tại vì người thâu thuế thường hay đòi người dân phải nộp nhiều hơn số tiền đã qui định, cho nên người dân khinh miệt họ lắm. Nhưng Chúa Giê-su vui lòng tự hạ mình xuống để kết bạn với những người thâu thuế với mục đích là để cứu vớt họ ra khỏi tội lỗi. Chính Ma-thi-ơ, tác giả của Tin Lành theo Ma-thi-ơ, cũng từng là một người thâu thuế. Nhưng khi Chúa kêu gọi người đi theo Chúa, thì ngay lập tức Ma-thi-ơ từ bỏ tất cả để trở thành môn đồ của Chúa. Nhưng phần đông người đời, nhất là những kẻ kiêu ngạo tự coi mình là chính nghĩa ngay thẳng, thì khinh thường Chúa vì Chúa kết bạn với những người thâu thuế.

Chúa Giê-su còn nói chuyện làm quen với người đàn bà tà dâm nữa. Một người đàn bà từng có năm đời chồng, và lúc đó bà đang ở chung với một người đàn ông, mà người đàn ông đó lại không phải là chồng của bà. Một người đàn bà như vậy thì trong bất cứ xã hội nào trong bất cứ thời đại nào đều bị người ta khinh thường, vậy mà Chúa lại chủ động đi nói chuyện làm quen với bà với mục đích là để cứu vớt đàn bà này ra khỏi tội lỗi. Và lẽ dĩ nhiên người đời đều cho rằng hành động này là quái đản thấp hèn.

Hơn nữa Chúa Giê-su còn giơ tay rờ người bịnh cùi. Hồi đó những người mắc bịnh cùi không được ở chung với người khỏe mạnh, họ phải ở trong những vùng xa xôi hẻo lánh. Khi những người mắc bịnh cùi thấy người khỏe mạnh, thì họ phải kêu lớn tiếng lên: “không sạch! không sạch!” hầu cho mọi người đều tránh xa họ. Không ai muốn đến gần những người mắc bịnh cùi. Khi Chúa Giê-su chữa bịnh cho một người bịnh cùi, Chúa còn giơ tay rờ người. Tại sao? Chúng ta nên nhờ rằng khi Chúa muốn chữa bịnh cho một người nào, Chúa chỉ cần nói một lời thôi thì người bịnh được lành, Chúa không cần phải rờ người bịnh. Vậy tại sao Chúa lại cố ý rờ người bịnh cùi? Tại vì Chúa thương xót cho người, Chúa biết rằng đã lâu nay mọi người đều tránh xa người, người cô đơn đau khổ lắm, cho nên Chúa muốn yên ủi khuyến khích người. Khi Chúa làm như vậy, Chúa tự hạ mình xuống đến địa vị thấp hèn của người bịnh cùi vậy.

Chúa Giê-su tiếp tục tự hạ mình xuống, đến ban đêm trước khi Chúa bị tên phản bội nộp cho những người cầm quyền của đạo Do Thái, Chúa tự hạ mình xuống đi rửa chân cho các môn đồ của mình. Rửa chân cho người ta là công việc của tên nô lệ. Tên nô lệ thường phải rửa chân cho người chủ của mình. Nhưng Chúa Giê-su đi rửa chân cho các môn đồ của mình, mục đích của Chúa là cái gì? Mục đích của Chúa là để giảng dạy cho các môn đồ một bài học về khiêm nhường tự hạ mình xuống. Chúa muốn làm cho bài học này in sâu vào trong tâm hồn của họ. Chúa Giê-su là thầy, là Chúa, vậy mà Chúa đã hầu hạ các môn đồ rửa chân cho họ, Chúa để lại cho họ một gương mẫu để noi theo, cho nên họ cũng nên rửa chân lẫn cho nhau, có nghĩa là họ phải noi gương của Chúa mà khiêm nhường tự hạ mình xuống hầu hạ phụng sự lẫn nhau.

Sau cùng Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá. Bị đóng đinh trên thập giá là một hình phạt dành riêng cho những kẻ phạm tội trầm trọng, thí dụ như phản bội chính phủ La-mã, cướp của, giết người v.v. Hình phạt này rất tàn nhẫn, tên tử tội bị đóng đinh trên thập giá, cho dù thân thể rất đau đớn, nhưng họ không có chết liền, họ chết một cách chậm chạp đau khổ. Có khi tên tử tội bị treo trên thập giá mấy ngày mấy đêm rồi mới dần dần kiệt sức chết đi. Khi Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá, đó là cái chết của một người phạm tội trầm trọng. Chúa Giê-su tự hạ mình xuống đến chỗ thấp hèn nhất trên thế gian này.

Tại Sao Chúa Giê-su Tiếp tụcTự Hà Mình Xuống?

Tại sao Chúa Giê-su tiếp tục tự hạ mình xuống đến chỗ thấp hèn nhất trên thế gian? Tại vì Chúa Trời Đức Gia-vê muốn cho mọi người đều được cứu chuộc, kể cả những người thấp hèn nhất trên thế gian này, cho nên Chúa Giê-su vui lòng tự hạ mình xuống đến chỗ thấp hèn nhất để có thể thông cảm giúp đỡ những người thấp hèn nhất trên thế gian.

Sự tự hạ mình xuống của Chúa Giê-su bày tỏ tấm lòng vâng phục của Chúa đối với Chúa Trời Đức Gia-vê. Mà vâng phục Chúa Trời chính là sự công nghĩa. Bởi vậy Khi Chúa Giê-su tự hạ mình xuống chịu Giăng làm phép báp-tem, đó là để làm trọn sự công nghĩa.

Cho nên khi Chúa Giê-su chịu phép báp-tem rồi, Chúa vừa ra khỏi mặt nước, thì bầu trời mở ra, Thánh Linh giáng xuống như chim bồ câu đậu trên mình Chúa, và có một tiếng nói từ trên trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của ta, ta rất hài lòng về người.”

Nhưng đó chỉ là một trong những bước đầu tiên để làm trọn sự công nghĩa, Chúa phải tiếp tục tự hạ mình xuống đến chỗ ngày càng thấp hèn. Mãi cho đến khi Chúa vâng phục Chúa Trời Đức Gia-vê cho đến chết trên thập giá thì mọi sự công nghĩa mới được làm nên hoàn toàn trọn vẹn!

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

 

(c) 2021 Christian Disciples Church