You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (5)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (5)

Chúa Giê-su Bị Ma Quỉ Cám Dỗ (1)

Ma-thi-ơ 4:1 – 4

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo về phép báp-tem của Chúa Giê-su. Hôm nay chúng ta bắt đầu tra khảo Ma-thi-ơ chương 4.

Ma-thi-ơ 4:1 – 4 1 Sau đó Thánh Linh hướng dẫn Chúa Giê-su đến đồng vắng (tức là vùng sa mạc) để chịu ma quỉ cám dỗ. 2 Sau khi Chúa đã kiêng ăn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm rồi, thì Chúa đói. 3 Quỉ cám dỗ đến gần Chúa và nói rằng: “Nếu ngươi là Con của Chúa Trời, thì hãy khiến những hòn đá nầy biến thành bánh đi.” 4 Chúa Giê-su đáp rằng: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng của Chúa Trời.’”

Tại Sao Thánh Linh Hướng Dẫn Chúa Giê-su Đến Đồng Vắng Để Chịu Ma Quỉ Cám Dỗ?

Sau khi Chúa Giê-su chịu phép báp-tem rồi, thì Thánh Linh hướng dẫn Chúa đến đồng vắng (tức là vùng sa mạc) để chịu ma quỉ cám dỗ.

Xin các bạn để ý, đây không phải là Chúa tình cờ đi vào đồng vắng rồi bị ma quỉ cám dỗ, mà là Thánh Linh hướng dẫn Chúa đi vào đồng vắng để chịu ma quỉ cám dỗ. Vậy thì cuộc cám dỗ này là ở trong dự tính của Chúa Trời. Đây không phải là ngẫu nhiên, mà là do Chúa Trời sắp đặt trước.

Tại sao Chúa Trời lại để cho Con của Ngài chịu ma quỉ cám dỗ? Chúa Trời là toàn năng, Ngài có thể làm được bất cứ việc gì nếu Ngài muốn, vậy mà Ngài chẳng những không bảo hộ cho Chúa Giê-su khỏi bị cám dỗ, mà Thánh Linh của Ngài còn dẫn đưa Chúa đi vào đồng vắng để chịu ma-quỉ cám dỗ! Chúa Trời làm như vậy thì có mục đích gì?

Chúa Trời Đức Gia-vê làm bất cứ việc gì đều là vì sự cứu chuộc của chúng ta. Ngài không bao giờ làm một việc nào vì lợi ích của Ngài hoặc là làm chơi chơi cho vui thôi!

Vậy thì Chúa Giê-su chịu ma quỉ cám dỗ có liên quan gì hay bổ ích gì cho sự cứu chuộc của chúng ta vậy?

Hê-bơ-rơ 2:16 – 18 16 Vì quả thật người không phải giúp đỡ các thiên sứ, mà là giúp đỡ dòng dõi của Áp-ra-ham. 17 Bởi vậy người phải chịu làm nên giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho người trở nên thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng thương xót và trung tín đối với Chúa Trời để đền tội cho dân chúng.18 Vả, vì chính người đã chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên người có thể giúp đỡ những kẻ bị cám dỗ vậy.

Đoạn Kinh Thánh này nói rằng Chúa Giê-su không phải giúp đỡ các thiên sứ, mà là giúp đỡ “dòng dõi của Áp-ra-ham”, tức là người dân của Chúa Trời. Tại vì Chúa muốn giúp đỡ chúng ta cho nên Chúa phải giống như chúng ta trong mọi sự.

Thí dụ một người Việt Nam với một người Thái Lan vì ngôn ngữ khác nhau không nói chuyện với nhau, bởi vậy họ khó mà hiểu nhau được. Ngược lại hai người Việt Nam thì không có vấn đề gì cả, họ có thể chuyện trò tìm hiểu nhau dễ dàng. Tương tự như vậy, Chúa Giê-su giống như chúng ta trong mọi sự cho nên Chúa thông cảm với chúng ta, và Chúa thương xót cho chúng ta. Hơn nữa chính vì Chúa Giê-su đã chịu khổ trong khi bị cám dỗ, Chúa hiểu rõ chúng ta đau khổ đến dường nào khi bị cám dỗ, cho nên Chúa có thể giúp đỡ chúng ta khắc phục sự cám dỗ vậy.

Hê-bơ-rơ 4:14 – 16 14 Bởi vậy, vì chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại, tức là Chúa Giê-su, Con của Chúa Trời, đã trải qua các tầng trời, chúng ta hãy bền giữ sự tuyên xưng của mình. 15 Vì chúng ta chẳng có một thầy tế lễ thượng phẩm không cảm thông với sự yếu đuối của ta, nhưng chúng ta có một thầy tế lễ từng bị cám dỗ trong mọi việc cũng như chúng ta vậy, nhưng chẳng phạm tội. 16 Bởi vậy chúng ta hãy vững lòng đến gần Ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và nhận được ơn điển để giúp chúng ta trong lúc cần thiết.

Đoạn Kinh Thánh này cũng giảng dạy tương tự như đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại, tức là Chúa Giê-su. Chúa đã trải qua các tầng trời đến tầng trời cao nhất trước mặt Chúa Trời. Thầy tế lễ thượng phẩm này có thể cảm thông với sự yếu đuối của ta, Chúa từng bị ma quỉ cám dỗ trong mọi việc cũng như chúng ta vậy, nhưng Chúa chẳng vấp ngã phạm tội. Chính vì Chúa Giê-su là hoàn toàn vô tội, trong sạch thiêng liêng, cho nên Chúa có thể đền tội cho chúng ta. Nếu Chúa có phạm bất cứ một tội gì thì Chúa không thể đền tội cho chúng ta. Bởi vậy khi chúng ta bị cám dỗ, trong lúc ta cảm thấy cô đơn yếu đuối không thể chống cự lại sự cám dỗ của ma quỉ, chúng ta đừng có sợ hải, mà hãy giữ vững lòng tin đến trước Ngôi ơn phước của Chúa Trời mà cầu xin Ngài, thì ta sẽ kinh lịch sự thương xót của Ngài, và sẽ nhận được ơn điển để giúp đỡ chúng ta vậy.

Hai đoạn Kinh Thánh trên cho chúng ta thấy rõ cái lý do tại sao Chúa Trời cho phép Chúa Giê-su chịu ma quỉ cám dỗ, đó là để cho Chúa từng trải cám dỗ trong mọi việc hầu cho Chúa có thể cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta khi ta bị cám dỗ, rồi Chúa có thể yên ủi giúp đỡ ta khắc phục sự cám dỗ vậy.

Như vậy là chúng ta chắc bị ma quỉ cám dỗ!

Tại Sao Chúa Trời Cho Phép Ma Quỉ Cám Dỗ Chúng Ta?

Tại sao Chúa Trời lại cho phép ma quỉ cám dỗ chúng ta? Nếu Chúa Trời thương xót chúng ta, thì Ngài nên bảo hộ chúng ta khỏi bị cám dỗ, như vậy là còn hay hơn là ban ơn điển cho ta và để Chúa Giê-su yên ủi giúp đỡ ta khắc phục sự cám dỗ! phải không? Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Chúa Trời cho phép ma quỉ cám dỗ chúng ta, mục đích của Ngài cũng là vì lợi ích của ta.

Đầu tiên Chúa Trời muốn rèn luyện cho đức tin của ta được trở nên vững mạnh hơn. Trong câu Kinh Thánh trên Hê-bơ-rơ 4:14 dạy rằng: “chúng ta hãy bền giữ sự tuyên xưng của mình”, rồi trong câu Hê-bơ-rơ 4:16 lại một lần nữa dạy rằng: “Bởi vậy chúng ta hãy vững lòng đến gần Ngôi ơn phước”.

Khi chúng ta bị cám dỗ và cảm thấy mình yếu đuối, thì ta nên cầu xin Chúa Trời giúp đỡ, Ngài sẽ ban ơn điển cho ta để khắc phục sự cám dỗ. Chính là nhờ những kinh lịch này mà đức tin của ta được trở nên ngày càng vững mạnh hơn.

Mục đích thứ hai là để cho chúng ta học tập vâng phục qua sự khốn khổ.

Hê-bơ-rơ 2:10 10 Muôn vật hướng về Chúa Trời, và nhờ Ngài mà muôn vật được làm nên, tại vì Ngài muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, ấy là một việc thích đáng mà Ngài đã khiến đấng sáng lập sự cứu chuộc của những con ấy nhờ sự khốn khổ mà trở nên trọn vẹn.

“đấng sáng lập sự cứu chuộc” chính là Chúa Giê-su. Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Trời cho Chúa Giê-su từng khải sự khốn khổ hầu cho Chúa được trở nên trọn vẹn.

Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 8 Dầu người là Con, người đã học tập vâng phục bởi những khốn khổ mình đã chịu, 9 và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì người trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những kẻ vâng phục người.

Chúa Giê-su đã học tập vâng phục bởi những khốn khổ Chúa đã chịu. Và cũng là nhờ những khốn khổ ấy mà Chúa được làm nên trọn vẹn. Sau khi Chúa đã nên trọn vẹn rồi thì Chúa là nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho ai? Cho những người vâng phục Chúa! Sự cứu chuộc đời đời là cho những người vâng phục Chúa. Nếu chúng ta muốn được hưởng sự cứu chuộc thì chúng ta phải học tập vâng phục Chúa qua sự khốn khổ.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Hê-bơ-rơ 2:10 Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 cho ta thấy tầm quan trọng và lợi ích của sự khốn khổ. Phần đông người ta không thích sự khốn khổ, nhưng chính Chúa Giê-su cũng là nhờ sự khốn khổ Chúa đã chịu mà được trở nên trọn vẹn, huống chi là chúng ta!

Bởi vậy Chúa Trời cho chúng ta chịu ma quỉ cám dỗ với mục đích đầu tiên là để rèn luyện cho đức tin của ta được trở nên vững mạnh hơn; và mục đích thứ hai là để cho chúng ta học tập vâng phục bởi sự khốn khổ. Tương tự như những người lính thì phải chịu huấn luyện mới trở thành người lính giỏi, người Tín Đồ Cơ Đốc thì phải từng trải khốn khổ mới trở thành một người Tín Đồ có đức tin vững mạnh và vâng phục Chúa. Chúng ta từng trải khốn khổ càng nhiều thì ta trưởng thành càng nhanh, và tính tình của ta sẽ trở nên càng ngày càng giống như Chúa Giê-su vậy!

Học Tập Một Cách Kỹ Lưỡng Sự Cám Dỗ Của Ma Quỉ

Tin Lành theo Ma-thi-ơ dạy rằng ma quỉ cám dỗ Chúa Giê-su từ 3 phượng diện khác nhau. Kinh Thánh ghi lại một cách tường tận sự cám dỗ của nó, đây không phải là để cho chúng ta đọc cho vui như đọc chuyện vậy. Tất cả những lời trong Kinh Thánh đều nhằm vào một mục đích là để dạy dỗ chúng ta. Kinh Thánh đã ghi lại cho chúng ta những gương mẫu tốt để chúng ta noi theo, và đồng thời cũng ghi lại những sự kiện xấu xa tội lỗi để chúng ta biết mà tránh khỏi. Trong cuộc cám dỗ này có những bài học rất quý gía cho chúng ta, chúng ta phải học tập một cách kỹ lưỡng để hiểu rõ âm mưu kế hoạch của ma quỉ và nguyên tắc phương pháp để chống cự lại cám dỗ của nó.

Bây giờ để chúng ta học tập cuộc cám dỗ đầu tiên. Chúa Giê-su ở nơi đồng vắng, Chúa kiêng ăn 40 ngày 40 đêm, rồi Chúa thấy đói bụng. Ma quỉ đến nói với Chúa rằng: “Nếu ngươi là Con của Chúa Trời, thì ngươi hãy biến hóa những hòn đá này thành ra bánh đi!” Chúa Giê-su đáp rằng: “Có lời chép rằng, ‘Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng của Chúa Trời’”.

Con Người Có Thể Kiêng Ăn 40 Ngày Và 40 Đêm Không?

Khi các bạn đọc đoạn Kinh Thánh này, các bạn có cảm nghĩ gì? Nhiều năm về trước khi tôi đọc đoạn Kinh Thánh này lần đầu tiên, lúc đó tôi còn chưa tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, tôi thấy Chúa làm việc kỳ lạ ghê! Tại sao Chúa lại kiêng ăn? Một con người kiêng ăn đến 40 ngày 40 đêm mà không chết sao? Và khi Chúa đói bụng rồi, nếu Chúa có quyền năng kỳ diệu, thì Chúa hãy biến hóa hòn đá thành ra bánh đi, điều này đâu phải là tội lỗi! Các bạn có cảm nghĩ như vậy không? Bây giờ tôi ta sẽ giải đáp những thắc mắc này từng bước một.

Một con người có thể kiêng ăn 40 ngày 40 đêm mà không chết đói chăng? Câu trả lời là được, ngày nay nhà khoa học đã làm thí nghiệm rồi kết luận rằng quả thật con người có thể kiêng ăn 40 ngày 40 đêm mà không chết, nhưng cần phải uống nước. Thân thể con người có thể chịu đựng kiêng ăn khá lâu, nhưng thiếu nước uống chừng một hay hai ngày thì sẽ chết khát. Bởi vậy Chúa Giê-su có thể kiêng ăn 40 ngày 40 đêm, nhưng thân thể của Chúa thì hẳn là yếu ớt đi rất nhiều.

Ý Nghĩa Của Sự Kiêng Ăn Trong Kinh Thánh

Nhưng cho dù kiêng ăn 40 ngày 40 đêm là điều có thể làm được, nhưng tại sao Chúa lại làm như vậy? Chính vì Chúa kiêng ăn 40 ngày 40 đêm rồi, khi Chúa thấy đói bụng, thì ma quỉ có thể nhân dịp đến cám dỗ Chúa. Giả tỷ nếu Chúa không kiêng ăn, thì ma quỉ không có dịp cám dỗ Chúa biến hóa hòn đá thành ra bánh!

Để giáp đáp thắc mắc này chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của kiêng ăn trong Kinh Thánh.

1. Kiêng ăn là dính liền với ăn năn hối cải

Nê-hê-mi 9:1 – 2 1 Ngày hai mươi bốn tháng ấy, dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại, kiêng ăn, quấn vải thô và rải bụi đất. 2 Dòng dõi của Y-sơ-ra-ên phân rẽ với những người ngoại, họ đứng dậy xưng tội lỗi mình và sự gian ác của tổ phụ mình.

Giô-ên 2:12 12 Gia-vê tuyên bố rằng: “Bây giờ hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu.”

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy kiêng ăn là dính liền với ăn năn hối cải. Khi người dân Y-sơ-ra-ên nhận thấy mình đã phạm tội lỗi trầm trọng, thì họ kiêng ăn và ăn năn hối cải tội lỗi của mình.

2. Kiêng ăn là dính liền với cầu nguyện, khẩn thiết nài xin

Thi-Thiên 35:13 13 Còn tôi, khi chúng nó đau, tôi mặc áo bao gai, tôi kiêng ăn tự hạ mình xuống; và lời cầu nguyện tôi trở vào ngực tôi.

Đa-ni-ên 9:3 3 Tôi ngưỡng mặt lên Chúa là Chúa Trời, tìm cầu Chúa bằng lời cầu nguyện và nài xin, bằng kiêng ăn, áo bao gai và tro bụi.

Trong hai đoạn Kinh Thánh trên, kiêng ăn là dính liền với cầu nguyện, khẩn thiết nài xin. Khi người dân Y-sơ-ra-ên gặp tai họa lớn, họ thường kiêng ăn và khẩn thiết cầu nguyện xin Chúa Trời giải cứu họ.

Ở đồng vắng Chúa Giê-su đang sửa soạn tâm linh của mình để đối diện với sự cám dỗ. Chúa kiêng ăn là để tập trung tâm trí cầu nguyên tương giao với Chúa Trời, rồi Chúa mới có thể từng trải sự cám dỗ mà không vấp ngã phạm tội. Sau cùng Chúa chiến thắng sự cám dỗ của ma quỉ, rồi Chúa trở nên thầy tế lễ thượng phẩm để đền tội cho chúng ta và Chúa có thể yên ủi giúp đỡ chúng ta khi ta bị cám dỗ vậy.

Kiêng ăn là một phương pháp để luyện tập kiềm chế dục vọng của xác thịt. Thân thể xác thịt của ta có rất nhiều dục vọng, chúng ta phải luôn luôn kiềm chế những dục vọng này mà đừng bao giờ bị những dục vọng này kiềm chế. Nếu chúng ta không kiềm chế nổi dục vọng, thì dục vọng sẽ kiềm chế lôi cuốn chúng ta vấp ngã phạm tội. Thí dụ khi ta đói bụng, thì ta muốn ăn, đó là một dục vọng. Cái dục vọng ham muốn đồ ăn không phải là tội lỗi, nhưng giả tỷ chúng ta không có tiền mua đồ ăn, mà chúng ta lại không kiềm chế được cái dục vọng này, thì ta sẽ đi ăn cắp làm việc phi pháp để thỏa mãn cái dục vọng này. Ở đây tôi chỉ là dùng một thí dụ rất đơn giản để giải thích cho các bạn thấy rõ nhiều lúc hành động việc làm của ta là bị thúc đẩy bởi dục vọng trong lòng. Bởi vậy ta luôn luôn phải cẩn thận, ta phải luyện tập kiềm chế dục vọng của xác thịt, đừng để cho xác thịt kiềm chế ta. Mà kiêng ăn chính là cái phương pháp để luyện tập kiềm chế dục vọng của thân thể xác thịt.

Các bạn chắc nghĩ rằng nếu ta kiêng ăn, thì cái dục vọng ham ăn càng gia tăng thêm, càng khó mà kiềm chế nổi, phải không? Hỡi các bạn ơi, tôi từng luyện tập kiêng ăn, lúc đầu thì thấy khó chịu lắm, đầu óc cứ nghĩ đến thức ăn hoài. Tôi phải tập trung tâm trí cầu nguyện tương giao với Chúa Trời, rồi dần dần tôi có thể kiềm chế cái dục vọng này.

Khi chúng ta kiêng ăn, thì tự nhiên đầu óc của ta trở nên sáng suốt hơn, ta có thể suy nghĩ rõ ràng hơn, và ta có thể tập trung tâm trí cầu nguyện dễ dàng hơn.

Lẽ dĩ nhiên khi chúng ta mới bắt đầu luyện tập kiêng ăn thì không nên kiêng ăn quá lâu, chỉ kiêng ăn chừng một hay hai ngày thôi. Và thời gian kiêng ăn cũng tùy thuộc vào sức khỏe của mình, nếu sức khỏe yếu thì không nên kiêng ăn quá lâu. Chúa Giê-su có thể kiêng ăn 40 ngày 40 đêm, nhưng không phải người nào cũng làm được như vậy đâu.

Biến Hóa Hòn Đá Thành Ra Bánh Có Tội Lỗi Gì?

Nhưng biến hóa hòn đá thành ra bánh có tội lỗi gì? Ma quỉ không phải cám dỗ Chúa Giê-su đi ăn cắp thức ăn, nó chỉ là thử thách Chúa biến hóa hòn đá thành ra bánh thôi! Các bạn nghĩ rằng điều này có phải là tội lỗi không?

Tất cả những việc Chúa Giê-su làm đều là vì sự cứu chuộc của loài người. Kinh Thánh ghi rằng có một lần Chúa Giê-su làm một phép lạ biến đổi 5 cái bánh 2 con cá thành ra vô số lương thực đủ cho năm ngàn người ăn no; rồi lần thứ hai Chúa lại biến đổi 7 cái bánh và vài con cá thành ra rất nhiều thức ăn cho bốn ngàn người ăn no. Nhưng có một lần khi đi bộ Chúa thấy khát nước, các môn đồ đi tìm nước uống và thức ăn, mà Chúa không biến hóa ra nước uống và lương thực cho mình và các môn đồ. Chúa có quyền năng chữa trị bất cứ bịnh tật gì của dân chúng, ngay vào lúc Chúa bị bắt, một môn đồ của Chúa chém đứt cái tai của một tên đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm, Chúa còn rờ tên đầy tớ đó để chữa lành cái tai của nó. Mà sau khi Chúa bị bắt, các binh lính làm nhục đánh đập Chúa, Chúa bị thương rất nặng, nhưng Chúa lại không làm gì để chữa trị cho mình.

Qua những sự kiện này, ta thấy rằng Chúa Trời ban cho Chúa Giê-su quyền năng kỳ diệu, nhưng Chúa không bao giờ dùng quyền năng đó để trông nom cho lợi ích của riêng mình, Chúa chỉ dùng quyền năng đó để làm theo ý chỉ của Chúa Trời, mà ý chỉ của Chúa Trời là luôn luôn dính liền với sự cứu chuộc của loài người chúng ta. Đó là một điều mà hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc đều phải ghi nhớ mãi mãi, chúng ta phải noi gương của Chúa, ta không nên dùng thời gian, sức lực, trí tuệ của mình để trông nom cho lợi ích của riêng mình mà bỏ quên ý chỉ của Chúa Trời. Ta phải hiến dâng hoàn toàn cuộc đời của mình cho Chúa Trời để tham gia vào việc cứu chuộc loài người.

Ma quỉ nói với Chúa Giê-su rằng: “Nếu ngươi là Con của Chúa Trời, thì ngươi hãy biến hóa hòn đá thành ra bánh đi”. Các bạn thấy chưa? Ma quỉ đang cám dỗ Chúa dùng quyền năng kỳ diệu của Chúa để trông nom cho lợi ích của bản thân mình.

Xin các bạn để ý, ma quỉ đã cám dỗ Chúa như thể nào thì nó chắc cũng cám dỗ chúng ta cùng một thể ấy. Ma quỉ thường giả bộ rất thông cảm với khó khăn của ta, rồi nó đề nghị chúng ta làm điều này điều nọ để trông nom cho lợi ích của mình trước tiên thay vì làm theo ý chỉ của Chúa Trời. Điều này thì nguy hiểm vô cùng, Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta phải luôn luôn tôn Chúa Trời và việc của Ngài là tối quan trọng, chúng ta không bao giờ coi lợi ích của riêng mình là quan trọng hơn ý chỉ của Chúa Trời.

Không chừng các bạn sẽ hỏi rằng: “Nếu chúng ta không lo cho mình, thì chẳng lẽ cứ để cho mình chết sao?” Hỡi các bạn ơi, khi chúng ta hết lòng hết sức trông nom cho việc của Chúa Trời, thì Ngài chắc trông nom cho ta. Ta không cần lo cho mình, ta đi trông nom sự cứu chuộc của loài người, còn việc của mình ta cứ phó thác cho Chúa Trời đi.

Tâm Linh Của Ta Được Sống Là Nhờ Lời Nói Ra Từ Miệng Của Chúa Trời

Bây giờ chúng ta coi Chúa Giê-su trả lời ra sao? Chúa nói rằng: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng của Chúa Trời.”

Thức ăn thì quả thật có thể nuôi dưỡng thân thể của chúng ta, nhưng con người không phải chỉ là thân thể xác thịt mà thôi, mà còn có tâm linh nữa. Lương thực cho tâm linh của ta là lời của Chúa Trời. Khi chúng ta sống theo lời dạy của Chúa Trời, thì tâm linh của ta mới có sức sống.

Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến thân thể xác thịt mà thôi. Thật ra nếu chúng ta quá chú trọng cái thân thể xác thịt này, thì ta muốn thỏa mãn dục vọng của xác thịt, ta sẽ bị dục vọng kiềm chế, rồi ta sẽ vấp ngã phạm tội.

Nếu chúng ta không ăn thức ăn thì thân thể này sẽ chết, nhưng nếu chúng ta không sống theo lời của Chúa Trời, thì tâm linh của ta sẽ khô cạn mà chết đi. Cái chết của cuộc sống tâm linh mới là tai họa lớn, còn cái chết của thân thể thì không quan trọng, người nào cũng phải chết, không ai có thể tránh khỏi cái chết của thân thể xác thịt. Nhưng nếu chúng ta sống theo lời của Chúa Trời, tâm linh của ta được hiệp làm một với Chúa Trời, cho dù thân thể xác thịt chết đi, nhưng linh hồn của ta sẽ trở về cùng Ngài. Sau này trong vương quốc Chúa Trời ta sẽ được ban cho một thân thể mới và được hưởng sự sống đời đời.

Kết Luận

Nói tóm lại, trong cuộc cám dỗ này nếu Chúa dùng quyền năng của mình để biến hóa hòn đá thành ra bánh thì Chúa coi lợi ích của mình là quan trọng hơn ý chỉ của Chúa Trời. Theo ý chỉ của Chúa Trời thì Chúa Giê-su phải từng trải đau khổ rồi Chúa mới có thể giúp đỡ người dân của Chúa Trời. Bởi vậy nếu Chúa làm theo lời của ma quỉ thì Chúa đã vấp ngã phạm tội. Chúa trả lời rằng, “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng của Chúa Trời!” Chúa sống theo lời của Chúa Trời, Chúa không có lo cho lợi ích của mình mà nghịch với ý chỉ của Ngài!

Đây là một bài học rất quan trọng cho chúng ta, ma quỉ sẽ cám dỗ chúng ta trông nom cho việc của mình trước tiên thay vì làm theo ý chỉ của Chúa Trời. Ta phải noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su, ta luôn luôn coi việc của Chúa Trời là quan trọng hơn hết, ta hết lòng hết sức phụng sự Chúa Trời, còn việc của mình thì ta phó thác cho Ngài. Ngay từ bây giờ ta luyện tập bỏ quên lợi ích của mình, hàng ngày ta sống theo lời dạy của Chúa Trời, đó là phương cách để sửa soạn chống cự lại cám dỗ của ma quỉ.

Kỳ sau chúng ta sẽ tra khảo ma quỉ cám dỗ Chúa Giê-su trong hai khía cạnh khác nhau nữa.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church