You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (21)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (21)

Hoàn Hảo Và Yêu Thương Kẻ Thù Nghịch Của Mình

Ma-thi-ơ 5:43 – 48

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 5:38 – 42, nếu các bạn thấy lời dạy trong đoạn Kinh Thánh đó là khó mà vâng giữ, thì đoạn Kinh Thánh kế tiếp mà chúng ta tra khảo hôm nay lại càng khó khăn hơn nữa.

Ma-thi-ơ 5:43 – 48 43 Các ngươi có nghe lời dạy rằng: “Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình.” 44 Nhưng ta nói cùng các ngươi rằng: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, 45 hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ ác cùng kẻ lành, ban mưa cho kẻ công nghĩa cùng kẻ độc ác. 46 Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được phần thưởng gì đâu? Ngay cả những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? 47 Lại nếu các ngươi chỉ chào đón anh em mình mà thôi, thì có gì hơn ai đâu? Ngay cả những người ngoại há chẳng làm như vậy sao? 48 Thế thì, các ngươi hãy nên hoàn hảo, như Cha các ngươi ở trên trời là hoàn hảo.”

Trong Kinh Thánh Không Có Câu “Hãy Ghét Kẻ Thù Nghịch Mình”

Đầu tiên, trong Luật Pháp của Kinh Thánh chỉ có câu “hãy yêu người lân cận”, nhưng không có câu “hãy ghét kẻ thù nghịch mình.” Vậy thì câu này từ đâu mà có?

Trong lời dạy của người Pha-ri-si có một bộ phận gọi là Luật Pháp truyền miệng (tiếng Anh là Oral Law), gồm có những lời giải thích của các ông thầy trong Đạo Do Thái về Luật Pháp của Kinh Thánh. Câu “hãy ghét kẻ thù nghịch mình” là ở trong phần Luật Pháp truyền miệng, nhưng không phải ở trong lời dạy của Kinh Thánh.

Những người Pha-ri-si coi phần Luật Pháp truyền miệng cũng quan trọng như phần Luật Pháp của Kinh Thánh. Nhưng Luật Pháp truyền miệng chỉ là lời nói của các ông thầy trong Đạo Do Thái, là ý tưởng của loài người, và lẽ dĩ nhiên không thể so với Luật Pháp của Kinh Thánh, là lời dạy của Chúa Trời.

Chúng Ta Phải Noi Gương Của Chúa Trời Và Phải Khác Biệt Với Người Đời

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta không phải chỉ yêu người lân cận thôi, mà còn phải yêu thương cả kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình, như vậy ta mới được làm con cái của Đức Cha ở trên trời. Tại vì đó chính là những điều mà Đức Cha làm, Ngài không phải chỉ chăm sóc con cái của Ngài thôi, mà Ngài còn yêu thương cả kẻ thù nghịch nữa, Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ ác cùng kẻ lành, Ngài ban mưa cho kẻ công nghĩa cùng kẻ độc ác. Nếu chúng ta muốn làm con cái của Chúa Trời thì ta phải noi gương của Ngài, ta làm những việc Ngài làm. Ngài yêu thương kẻ thù nghịch của Ngài, cho nên chúng ta cũng phải yêu thương kẻ thù nghịch của mình.

Hơn nữa nếu chúng ta chỉ yêu những kẻ yêu mình thôi, thì chúng ta chẳng khác gì so với kẻ thâu thuế và người ngoại. Người ngoại là những người không tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ. Hồi đó kẻ thâu thuế thường bị người ta khinh miệt, tại vì họ thường bắt người dân phải nộp thêm ngoài số tiền đã qui định (Lu-ca 3:12 – 13: “12 Cũng có những người thâu thuế đến để chịu phép báp-tem; họ hỏi rằng: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Người nói rằng: “Đừng đòi thêm ngoài số qui định.””). Kẻ thâu thuế và người ngoại đều là những người không thuộc về vương quốc Chúa Trời, họ là người đời của thế gian này. Nếu chúng ta thật sự là con cái của Chúa Trời thì ta phải khác biệt với họ.

Những Gương Mẫu Về Yêu Thương Kẻ Thù Nghịch

Không chừng có người sẽ nói rằng: “Điều này thì khó quá! Tại sao Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta làm những chuyện khó khăn như vậy?”

Hỡi các bạn ơi, Chúa Trời ngự trong Chúa Giê-su và phán truyền lời dạy qua Chúa Giê-su, Ngài không hề dạy bảo chúng ta làm những chuyện mà Ngài chưa hề làm, tất cả những điều Ngài dặn bảo ta làm thì chính Ngài đã làm rồi. Các bạn nên nhớ rằng khi chúng ta phạm tội lỗi thì ta là kẻ thù nghịch của Chúa Trời, nhưng Ngài ban Con một của Ngài để cứu chuộc ta.

Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây thập tự, Chúa chẳng những không thù oán những kẻ lập mưu giết hại mình và những kẻ hành hạ mình, mà Chúa còn cầu nguyện xin Chúa Trời Đức Gia-vê tha tội cho họ nữa.

Lu-ca 23:34 34 Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì!” Họ bắt thăm chia áo xống của Chúa.

Việc này chắc đã in sâu vào trong tâm hồn của các môn đồ của Chúa, cho nên sau này khi Ê-tiên truyền giảng Tin Lành cho người Giu-Đa, khiến họ tức giận mà ném đá cho người chết. Trước khi Ê-tiên chết, người cũng noi gương Chúa Giê-su mà cầu nguyện cho những kẻ ném đá giết hại mình.

Công Vụ Các Sứ Đồ 7:59 – 60 59 Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin tiếp nhận linh hồn con.” 60 Rồi người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” Người vừa nói xong lời đó thì ngủ.

Trong suốt hai ngàn năm qua có bao nhiêu người tôi tớ trung tín của Chúa Trời Đức Gia-vê đã chịu đựng khổ nạn thậm chí liều mạng để rao truyền Tin Lành cho người đời. Cho dù họ bị người đời bắt bớ giết hại, nhưng họ không thù oán, họ cứ một mực vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su về yêu thương kẻ thù nghịch của mình. Rốt cuộc có rất nhiều kẻ thù nghịch đã bị tình thương của họ cảm hóa mà trở về với Chúa Trời Đức Gia-vê! Cảm tạ Chúa Trời! Tình thương yêu thánh sạch hoàn hảo đã chiến thắng tội lỗi gian ác của người đời.

Vào năm 1956 có năm vị giáo sĩ trẻ tuổi người Mỹ, họ là Jim Eliot, Pete Fleming, Ed McCully, Nate Saint và Roger Younderian. Họ từ bỏ cuộc sống thoải mãi ở nước Mỹ và một tương lai rực rỡ mà đi vào rừng già của nước Ecuator ở Nam Mỹ, họ muốn rao truyền Tin Lành cho người thổ dân Auca. Thổ dân Auca mang tiếng là một trong những thổ dân dã man nhất trên thế giới. Rốt cuộc cả năm vị giáo sĩ đều bị thổ dân giết hại. Năm người quả phụ trẻ tuổi không hề oán trách thổ dân Auca, ngược lại Betty là người vợ của Jim Eliot và Rachel là người chị của Nate Saint ráng học tiếng Auca để sửa soạn tiếp tục truyền giảng Tin Lành cho họ. Vào năm 1958, tức là 2 năm sau khi năm vị giáo sĩ bị giết hại, Rachel, Betty và đứa con gái 3 tuổi của Betty đi vào bộ lạc của người Auca và sống chung với họ để rao truyền Tin Lành cho họ. Vài năm sau bà Betty trở về nước Mỹ, còn bà Rachel ở lại trong làng Auca. Bà Rachel và một bà giáo sĩ khác tên là Katherine tiếp tục công việc rao truyền Tin Lành cho thổ dân. Sau 31 năm tức là vào năm 1989, cả bộ lạc của người Auca đều tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su. Một bộ lạc tàn bạo hung dữ thì sống hòa hảo với những người dân khác ở lân cận. Vinh diệu thay! Tình thương yêu cao quí thiêng liêng đã chiến thắng hoàn toàn thù oán tội lỗi. (Xin đọc 3 bài giảng “Qua Ngưỡng Cửa Vinh Hiển (1) – (3)” để hiểu rõ các chi tiết)

Bạn Có Muốn Vâng Giữ Lời Dạy Này Không?

Phần đông người ta khi nghe nói về yêu thương kẻ thù nghịch thì họ nói rằng: “Không được! Tôi làm không được!”

Khi bạn nói bạn làm không được, có phải là bạn không muốn làm, bạn không muốn trút bỏ mối hận thù trong lòng của bạn chăng? Hoặc là bạn cũng muốn vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su, nhưng bạn thấy bạn không có khả năng bỏ qua mối hận thù và yêu thương kẻ thù nghịch chăng? Hai điều này là hoàn toàn khác nhau. Các bạn hãy tự xem xét suy ngẫm để coi tâm trạng của bạn là như thế nào.

Nếu bạn không muốn tha thứ cho kẻ thù nghịch, bạn không muốn vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su, thì bài giảng này không thích hợp cho bạn, bạn sẽ thấy những lời tôi nói là hoàn toàn vô lý. Nếu bạn nói bạn đã tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su rồi, nhưng bạn lại không muốn yêu thương kẻ thù nghịch của mình, thì bạn không phải là con cái của Chúa Trời, tại vì bạn không có tính tình của Chúa Trời, bạn chưa được tái sinh, hay nói một cách trực tiếp hơn, ấy là bạn chưa được cứu chuộc.

Ngược lại nếu bạn muốn vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su, nhưng bạn thấy bạn không có khả năng yêu thương kẻ thù nghịch, như vậy thì thái độ của bạn là đúng. Bạn nên kêu cầu Chúa Trời, Ngài chắc ban ân điển quyền năng để giúp đỡ bạn vâng giữ lời dạy này. Thật ra, này là lời dạy cao quí nhất và cũng khó khăn nhất, loài người không bao giờ làm được, chẳng ai có thể vâng giữ lời dạy này bằng khả năng của mình, chỉ có nhờ vào ân điển của Chúa Trời chúng ta mới có thể yêu thương kẻ thù nghịch.

Tình Yêu Thương Trong Kinh Thánh

Muốn vâng theo lời dạy này thì ta phải hiểu rõ tình yêu thương trong Kinh Thánh. Tình yêu thương trong Kinh Thánh thì khác biệt với tình yêu thương trên thế gian.

Tình yêu thương trong Kinh Thánh không phải là một xúc cảm một nỗi niềm trong lòng, nhưng là một hành động phát xuất từ sự vâng phục Chúa Trời.

Tình yêu thương trong Kinh Thánh không phải dựa vào sự khả ái đáng thương của con người. Nói một cách khác, chúng ta yêu thương một người không phải tại vì người đó là khả ái đáng thương, ta yêu thương một người là tại vì Chúa Trời là đáng kính yêu và Ngài đã mệnh lệnh chúng ta phải yêu thương người khác, cho nên ta vâng phục mệnh lệnh của Ngài mà yêu thương người đó.

Nếu chúng ta yêu thương một người chỉ vì người đó là khả ái đáng thương thì ta chắc không cách nào yêu thương kẻ thù nghịch được, tại vì ta chắc không thấy kẻ thù nghịch của mình là khả ái đáng thương. Ngược lại, khi tình yêu thương của chúng ta là phát xuất từ sự vâng phục Chúa Trời thì ta mới có thể yêu thương kẻ thù nghịch. Cho dù kẻ thù nghịch của ta không có đáng thương gì hết và đã gây ra bao nhiêu tổn thương cho ta, nhưng tại vì Chúa Trời đã dặn bảo ta phải yêu thương kẻ thù nghịch của mình, cho nên ta yêu thương người ấy.

Tại vì tình yêu thương là một hành động phát xuất từ sự vâng phục Chúa Trời, cho nên khi ta yêu thương kẻ thù nghịch của mình thì ta phải trút bỏ mối thù oán trong lòng và làm những điều tốt nhất cho người ấy.

Trong câu chuyện về năm vị giáo sĩ trẻ tuổi, sau khi họ bị thổ dân Auca giết hại rồi, năm vị quả phụ không hề chất chứa mối hận thù trong lòng. Betty là bà vợ của Jim Eliot và Rachel là bà chị của Nate Saint còn đi rao truyền Tin Lành cho thổ dân Auca nữa. Tại vì những thổ dân này đã giết hại bao nhiêu người rồi, tội lỗi của họ trầm trọng vô cùng, họ sẽ bị hư mất diệt vong. Bởi vậy điều tốt nhất là rao truyền Tin Lành cho họ để giúp họ tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, ăn năn hối cải, rồi tội lỗi của họ sẽ được tha thứ, và quyền năng của Chúa Trời sẽ biến đổi tâm hồn của họ.

Quả nhiên, sau khi cả bộ lạc đều tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su rồi, tâm hồn của họ hoàn toàn thay đổi, họ chẳng những không còn giết hại người ta nữa, mà họ còn tham gia vào việc truyền giảng Tin Lành cho những bộ lạc khác.

Cầu Xin Chúa Trời Giúp Đỡ Chúng Ta Trút Bỏ Mối Giận Hờn Trong Lòng

Nếu bạn thật sự muốn vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su về yêu thương kẻ thù nghịch thì đầu tiên bạn phải trút bỏ mối giận hờn trong lòng. Có người sẽ nói rằng: “Khó quá! Kẻ thù nghịch kia đã làm điều này điều kia khiến tôi đau khổ quá, làm sao mà tôi không tức giận người ấy! Điều này không thể nào làm được!” Vâng, chúng ta không thể nào trút bỏ mối giận hờn trong lòng của mình được, cho nên ta phải kêu cầu Chúa Trời giúp đỡ ta. Đức Cha của ta là toàn năng, Ngài làm được mọi việc, Ngài chắc có thể giúp đỡ ta trút bỏ mối giận hờn trong lòng.

Nhiều năm về trước, khi tôi lần đầu tiên đọc đoạn Kinh Thánh này, lúc đó tôi còn chưa tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, nhưng tôi rất yêu thích lời dạy này, và tôi ước ao có thể yêu thương kẻ thù nghịch của tôi. Sau khi tôi trở thành Tín Đồ Cơ Đốc rồi, nhất là sau khi chồng tôi và tôi đi truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời, có người bịa đặt ra chuyện giả dối vu cáo tôi, có người cố ý nói những lời cay đắng chọc tức tôi trong buổi học tập Kinh Thánh. Tôi biết ấy là sự tấn công của ma quỉ, nó sử dụng những người này đả kích tôi, nếu tôi không có tiết độ mà trao trả lại thì tôi sẽ làm nhục cái Danh của Chúa Trời. Cảm tạ Đức Cha ở trên trời! Ngài đã ban cho tôi quyền năng để giúp đỡ tôi, tôi không có trao trả lại mà lạc vào tội lỗi.

Trong hai mươi mấy năm trời phụng sự Chúa Trời, tôi từng bị người ta la hét chưởi mắng, tôi chỉ có đến trước mặt Đức Cha mà khóc thôi.

Cũng có nhiều lúc tôi tức giận những kẻ thù nghịch của tôi, nhưng Thánh Linh nhắc nhở tôi phải vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su về yêu thương kẻ thù nghịch, thì ngay lập tức tôi đến trước mặt Đức Cha cầu xin Ngài tha tội cho tôi, và cầu xin Ngài ban cho tôi tình yêu thương để giúp tôi có thể yêu thương kẻ thù nghịch của mình.

Quá trình đó thì khó khăn lắm, nhưng tôi quyết tâm bền chí vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su, tôi không nản lòng bỏ cuộc, dần dần nhờ vào ân điển của Chúa Trời tôi có thể trút bỏ mối giận hờn trong lòng, và tôi còn có thể làm những điều tốt nhất cho kẻ thù nghịch của tôi nữa.

Chúng Ta Làm Những Điều Tốt Nhất Cho Kẻ Thù Nghịch Của Mình

Bước đầu tiên là trút bỏ mối giận hờn trong lòng, rồi bước thứ hai là làm những điều tốt nhất cho kẻ thù nghịch của mình.

Lu-ca 6:27 27 Nhưng ta bảo các ngươi là những người lắng nghe: Hãy yêu những kẻ thù nghịch mình, làm ơn cho những kẻ ghét mình,

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải yêu những kẻ thù nghịch mình và làm ơn cho những kẻ ghét mình.

Rô-ma 12:19 – 21 19 Hỡi anh em thân yêu, đừng tự trả thù ai, nhưng hãy nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Chúa Trời; vì có lời chép rằng: “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng. Chúa nói vậy.” 20 Nhưng nếu kẻ thù của các ngươi đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy các ngươi chất than hồng trên đầu nó. 21 Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy bảo chúng ta đừng tự trả thù ai hết, mà hãy phó thác mọi việc cho Chúa Trời, Ngài nhìn thấy mọi sự, Ngài biết rõ tấm lòng hành vi của mỗi một người. Ai là người phạm tội lỗi Ngài biết hết, và Ngài là thành tín công nghĩa, Ngài sẽ báo ứng. Nhưng một mặt khác chúng ta không phải cứ mong chờ Chúa Trời trừng phạt kẻ thù nghịch của mình để trả thù cho mình! Ấy là một thái độ tội lỗi. Chúng ta phải yêu thương kẻ thù nghịch, ta làm những điều tốt nhất cho nó.

Điều tốt nhất cho nó là cái gì? Ấy là giúp đỡ nó ăn năn hối cải.

Nhưng bằng cách nào mà ta có thể giúp đỡ nó ăn năn hối cải? Nếu kẻ thù nghịch đó bị đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho uống; có nghĩa là ta giúp đỡ nó về những điều nó cần nhất.

Khi chúng ta làm như vậy, khác nào ta chất than hồng trên đầu nó. Này là một câu châm ngôn của người Ai-cập, có nghĩa là khiến cho kẻ thù nghịch thấy hổ thẹn khó chịu tựa như bị chất một miếng than hồng trên đầu vậy. Cho dù người này bắt bớ ta, ta chẳng những không trả thù, mà ta còn đi giúp đỡ người khi người gặp hoạn nạn, bởi vậy người sẽ thấy hổ thẹn về tội lỗi của mình mà ăn năn hối cải vậy.

Sứ đồ Phao-lô còn dạy bảo chúng ta đừng để điều ác thắng mình. Khi người khác bắt bớ ta, nếu ta cũng làm điều ác để trao trả lại, rồi người ấy sẽ làm những điều càng độc ác hơn nữa, rồi ta cũng trả thù lại; và cứ như vậy tội ác sẽ càng ngày càng gia tăng, tội ác đã chiến thắng chúng ta rồi. Ngược lại khi người khác bắt bớ ta, ta không trả thù, và ta còn yêu thương người ấy khi người bị hoạn nạn. Chúng ta tìm cách giúp đỡ người ấy ăn năn hối cải, như vậy điều thiện của ta sẽ chiến thắng điều ác của người.

Trong đoạn Kinh Thánh chúng ta tra khảo kỳ trước Ma-thi-ơ 5:38 – 42, Chúa Giê-su dạy bảo ta đừng chống cự lại kẻ ác. Tại sao đừng chống cự lại kẻ ác? Tại vì ta không nên dùng điều ác trả điều ác. Nếu người ta vả má mình thì ta vả lại, ấy là dùng điều ác trả điều ác. Nhưng khi người ta vả má mình, ta đưa má bên kia cho nó luôn, ấy là dùng điều thiện của ta để chiến thắng điều ác của nó (Xin đọc bài giảng “Chống Cự Lại Kẻ Ác Bằng Quyền Năng Và Trí Tuệ Của Chúa Trời” để hiểu rõ lời giải thích).

Đối với kẻ la hét chưởi mắng tôi, tôi đáp ứng lại bằng cách nào? Lẽ dĩ nhiên tôi buồn khổ lắm, tôi đến trước mặt Đức Cha mà khóc, Ngài nhân từ thương xót vô biên, Ngài khuyến khích an ủi tôi. Sau đó tôi viết một lá thư cho người ấy, tôi tự hạ mình xuống để giải thích cho người biết rõ mọi việc. Người ấy không hề xin lỗi với tôi cả. Đối với những kẻ chọc tức đả kích tôi, tôi tiếp tục đón chào họ và nói chuyện với họ. Và tôi còn cầu nguyện cho những kẻ thù nghịch này nữa.

Tại sao tôi lại cầu nguyện cho những người bắt bớ tôi?

  1. Tại vì đó là lời dạy của Chúa Giê-su: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”
  2. Tôi muốn giúp đỡ họ ăn năn hối cải, nhưng khả năng của tôi thì có hạn thôi, tôi chẳng làm được gì hết, bởi vậy tốt nhất là cầu xin Đức Cha dạy dỗ họ để mở mắt tâm linh của họ, khiến họ thấy rõ tội lỗi của mình.
  3. Hơn nữa, ở phần trên chúng ta đã thấy rằng khi ta giúp đỡ kẻ thù nghịch trong những chuyện nó cần nhất, như vậy sẽ khiến nó hổ thẹn mà ăn năn hối cải. Nhưng tôi không biết những kẻ thù nghịch của tôi cần nhất là cái gì, cho nên tôi cầu nguyện xin Chúa Trời chỉ thị cho tôi biết nên giúp đỡ họ như thế nào.

Khi bạn cầu nguyện cho kẻ thù nghịch của bạn, thì bạn sẽ được ban cho phước lành trước nhất và nhiều nhất! Trong Kinh Thánh có một nguyên tắc rất quan trọng, chúng ta đối đãi với người ta thể nào thì Chúa Trời sẽ đối đãi với ta cùng một thể ấy. Nếu ta yêu thương người khác thì Chúa Trời cũng yêu thương ta. Nếu ta tha thứ người khác thì Chúa Trời cũng tha thứ cho ta. Nếu ta bắt bớ người khác thì ta sẽ bị Chúa Trời trừng phạt.

Thi Thiên 18:25 – 26 25 Với người nhân từ, Chúa tỏ mình nhân từ; Với người trọn vẹn, Chúa tỏ mình trọn vẹn; 26 Với người trong sạch, Chúa tỏ mình trong sạch; Với kẻ xảo quyệt, Chúa tỏ mình xảo quyệt.

Khi Chúa Trời ban phước lành cho chúng ta thì tình yêu thương của Ngài sẽ biến đổi tâm hồn của ta. Rồi dần dần ta sẽ thấy thật sự trong lòng ta có mối tình yêu thương cho kẻ thù nghịch của mình. Kỳ diệu thay!

Hoàn Hảo Và Yêu Thương Kẻ Thù Nghịch

Sau cùng, trong câu 48 Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải trở nên hoàn hảo cũng như Đức Cha của ta là hoàn hảo.

Chỉ có Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su là hoàn toàn vô tội thánh sạch hoàn hảo, trên thế gian không một người nào khác là hoàn hảo. Nhưng cho dù loài người chúng ta không thể trở nên hoàn hảo như Chúa Trời và Chúa Giê-su vậy, nhưng tấm lòng của ta phải là hoàn hảo. Một tấm lòng hoàn hảo là như thế nào?

Chúng ta nhìn vào văn cảnh của câu 48, sau khi Chúa Giê-su dặn bảo chúng ta phải yêu thương kẻ thù nghịch, thì Chúa nói rằng chúng ta phải nên hoàn hảo cũng như Đức Cha của ta là hoàn hảo. Bởi vậy hoàn hảo là có liên quan đến yêu thương kẻ thù nghịch. Khi chúng ta yêu thương kẻ thù nghịch thì ta có một tấm lòng hoàn hảo.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church