You are here

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (16)

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (16)

Đấu Thủ Chạy Đua

1 Cô-rinh-tô 9:24 – 27

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Tín Đồ Cơ Đốc Là Đấu Thủ Chạy Đua

Có một phim xi-nê rất nổi tiếng nhan đề “Chariots of fire” (dịch ra tiếng Việt là “Xe chiến ngọn lửa”). Nội dung của phim này là một câu chuyện thiệt nói về thời sinh viên của một thầy truyền đạo người Anh vào đầu thế kỷ 20, Eric Liddell. Eric sinh trong một gia đình Tín Đồ Cơ Đốc ở xứ Ê-cốt của nước Anh, người cha của Eric là một thầy truyền đạo. Từ thuở nhỏ, Eric đã sốt sắng phụng sự Chúa Trời. Người chị của Eric thường khuyến khích Eric nên đi truyền giảng Tin Lành tại những nước nghèo nàn lạc hậu.

Eric rất yêu vận động, anh này là đấu thủ chạy đua xuất sắc nhất ở trường. Khi anh lớn lên vô đại học, anh trở nên đấu thủ chạy đua hạng nhất của xứ Ê-cốt. Người chị của anh vẫn thường xuyên khuyên bảo anh không nên ham mộ danh vọng của thế gian này, mà hãy phó mình vào việc truyền giảng Tin Lành. Lúc đầu Eric còn do dự, về sau tình yêu thương của Chúa Trời lôi cuốn anh, nên anh quyết định từ bỏ vinh dự của thế gian mà đi theo bước chân của Chúa Giê-su Christ. Anh lập chí hiến dâng cuộc đời của mình vào việc truyền giảng Tin Lành ở Trung Quốc.

Nhưng trước khi ra đi, Eric phải dự Đại hội Ô-lim-pích năm 1924, tại vì anh đã được tuyển làm một trong những đấu thủ chạy đua đại diện cho nước Anh. Trong số những đấu thủ chạy đua của nước Anh có một người Do Thái, anh này không tin ở Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su cả. Anh Tín Đồ Cơ Đốc Eric và anh Do Thái cùng là đấu thủ chạy đua 100 mét. Trước khi Đại hội Ô-lim-pích bắt đầu, các đấu thủ đi luyện tập hàng ngày. Anh Eric cũng đi luyện tập, nhưng lòng anh chỉ ước ao về việc truyền giảng Tin Lành ở Trung Quốc, anh coi công việc truyền đạo là một cuộc chạy đua thuộc linh mà anh sẽ hết lòng, hết sức mà dự vào. Mà anh Do Thái có thái độ khác hẳn, anh này chỉ ham mê vinh dự của giải thưởng hạng nhất thôi.

Khi thời khóa biểu của Đại hội Ô-lim-pích sắp đặt xong rồi, thì cuộc chạy đua 100 mét là nhằm ngày Chủ Nhật. Khi anh Eric hay tin này, quí vị biết anh này làm gì không?

Anh Eric từ chối tham dự cuộc chạy đua này, lý do thì rất đơn giản, anh phải đi thờ phượng Chúa Trời, ngày Chủ Nhật là ngày của Chúa Trời. Anh sẵn sàng từ bỏ cơ hội đoạt được giải thưởng hạng nhất của Ô-lim-pích, anh coi giải thưởng Ô-lim-pích không quan trọng bằng giải thưởng mà Chúa Trời sẽ ban cho anh trong tương lai. Tin này làm chấn động cả Đại hội Ô-lym-pích và nước Anh, có nhiều tờ báo Anh chỉ trích chê bai anh Eric. Nhưng Eric cứ đứng vững lập trường, anh nói rằng bước đi theo Chúa Giê-su Christ thì không bao giờ dễ dàng.

Vì Eric không dự vào cuộc chạy đua 100 mét, cho nên anh Do Thái kia đoạt được giải thưởng hạng nhất của Ô-lim-pích năm 1924, mà anh Eric không có ân hận gì hết. Cho dù anh Eric không dự vào cuộc chạy đua 100 mét, nhưng anh vẫn có thể dự vào cuộc chạy đua 400 mét, nhưng anh không có sở trưởng về chạy đua 400 mét, anh thì rất giỏi về chạy đua 100 mét thôi.

Quí vị biết rốt cuộc cái gì xảy ra không? Anh Eric dự vào cuộc chạy đua 400 mét và anh đoạt được giải thưởng hạng nhất, thành tích của anh còn phá kỷ lục thế giới nữa! Kỳ diệu thay! Vinh diệu thay! Điều này làm cho cả thế giới đều kinh ngạc vô cùng!

Anh Do Thái và anh Eric đều đoạt được giải thưởng hạng nhất, nhưng tâm tình của hai người là hoàn toàn khác nhau. Khi anh Do Thái nhận được giải thưởng hạng nhất mà anh khao khát từ lâu, tuy anh cũng mừng rỡ, nhưng rồi anh thấy trong lòng rất trống rỗng. Anh đã để hết sức lực tâm trí vào luyện tập chạy đua trong bao nhiêu năm trời để đoạt lấy giải thưởng hạng nhất của Ô-lim-pích, ấy là cái mục đích trong cuộc đời của anh, bây giờ anh đã đạt được rồi, nhưng anh mê mẩn không biết sau này mình sẽ làm gì nữa?

Còn anh Eric thì khác hẳn, sau khi anh hoàn thành cuộc chạy đua Ô-lim-pích, anh đã làm xong những việc của đời này. Anh hân hoan sắp xếp hành lý để sửa soạn đi Trung Quốc. Từ nay trở đi, anh sẽ hết lòng, hết sức tham dự vào cuộc chạy đua thuộc linh để giành lấy phần thưởng không hư nát mà Chúa Trời sẽ ban cho những người được thắng.

Về sau anh Eric trở thành một thầy truyền đạo ở Trung Quốc, và anh chết ở Trung Quốc. Câu chuyện này thì liên quan đến cái danh hiệu mà chúng ta tra khảo hôm nay.

1 Cô-rinh-tô 9:24 – 27. 24 Anh em há chẳng biết rằng tất cả những người trên sân vận động đều chạy, nhưng chỉ có một người được phần thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy sao cho được phần thưởng. 25 Mỗi một người đua tranh đều rèn luyện tiết độ trong mọi sự. Họ làm như vậy để được cái mão miện sẽ hư nát, nhưng chúng ta làm như vậy để được cái mão miện không hư nát. 26 Bởi vậy tôi chạy, chẳng phải là không mục đích đâu; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió. 27 Nhưng tôi khép thân thể mình vào kỷ luật và bắt nó phải phục tùng, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy cho người khác, mà chính mình lại bị loại bỏ.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô so sánh các Tín Đồ Cơ Đốc tựa như các đấu thủ chạy đua. Trong một cuộc chạy đua trên sân vận động, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có người chạy hạng nhất lãnh được phần thưởng thôi. Cuộc đời Tín đồ Cơ Đốc thì tựa như một cuộc chạy đua vậy, chúng ta phải chạy sao cho được lãnh phần thưởng. Mỗi một người dự cuộc chạy đua đều phải rèn luyện tiết độ trong mọi sự, họ làm như vậy để đoạt được phần thưởng là cái mão miện, nhưng mão miện đó chẳng bao lâu sẽ hư nát. Mà chúng ta cũng phải rèn luyện tiết độ trong mọi sự, nhưng chúng ta làm như vậy để được cái mão miện không hư nát mà Chúa Trời sẽ ban cho ta. Bởi vậy sứ đồ Phao-lô chạy, chẳng phải là không mục đích đâu, người biết rõ mình chạy vì mục đích gì. Và sứ đồ cũng đánh, chẳng phải là đánh gió đâu. Sứ đồ khép thân thể của mình vào kỷ luật và bắt thân thể phải phục tùng, vì người e rằng sau khi người đã truyền giảng Tin Lành cho kẻ khác, mà chính mình lại bị loại bỏ.

Cái danh hiệu mà chúng ta tra khảo hôm nay chính là “Đấu thủ chạy đua”.

Nếu Tín Đồ Cơ Đốc là đấu thủ chạy đua, thì cuộc sống mới của chúng ta chính là một cuộc chạy đua thuộc linh, và nơi trường đua là thế gian này. Qua lễ báp-tem, Chúa Trời Gia-vê cho ta chết về cuộc sống cũ, rồi Ngài ban cho ta một cuộc sống mới, ta được tái sinh. Trong cuộc sống mới này, ta không còn sống cho riêng mình nữa, ta sống là sống cho Chúa Trời Gia-vê. Cuộc chạy đua thuộc linh bắt đầu ngay từ lúc ta được tái sinh vào cuộc sống mới và kéo dài cho đến khi ta lìa khỏi thế gian để trở về cùng Chúa Trời Gia-vê.

Nhiều Người Tín Đồ Cơ Đốc Không Thể Hoàn Thành Cuộc Chạy Đua

Trong một cuộc chạy đua dài, thí dụ như cuộc chạy đua Ma-ra-tông, tổng cộng dài 42 kí-lô-mét, nhiều người đấu thủ không thể hoàn thành cuộc chạy đua. Khi cuộc chạy đua mới bắt đầu thì có rất nhiều người tham dự, nhưng giữa đường có người vì mệt quá mà té xuống, có người bị thương giữa đường, có người thì chán nản bỏ cuộc. Cuối cùng chỉ có một số ít người có thể hoàn thành cuộc chạy đua.

Trong cuộc chạy đua thuộc linh kéo dài suốt đời của Tín Đồ Cơ Đốc, tình hình cũng tương tự như vậy. Trong Kinh Thánh ghi rằng có một số người đi theo Chúa Giê-su lúc ban đầu, nhưng về sau họ lìa bỏ Chúa hay phản nghịch lại Chúa.

Giu-đa là một môn đồ của Chúa Giê-su, nhưng người đã phản nghịch lại Chúa, người nộp Chúa cho các thầy tế lễ cả để được món tiền 30 bạc. Giu-đa đã bắt đầu cuộc chạy đua thuộc linh Ma-ra-tông, nhưng người không hoàn thành được. Đê-ma cùng làm việc chung với sứ đồ Phao-lô, nhưng người đã lìa bỏ Phao-lô. Đê-ma cũng là một đấu thủ chạy đua bỏ cuộc giữa đường.

Tại sao những người này không thể hoàn thành cuộc chạy đua? Cái gì đã khiến họ thất bại bỏ cuộc?

Ta Phải Quăng Hết Gánh Nặng Và Tội Lỗi Mà Chạy

Giăng 12:6. 6 Người nói vậy, chẳng phải vì quan tâm cho kẻ nghèo đâu, nhưng vì người vốn là tay trộm cướp, và giữ túi bạc, người trộm lấy tiền của người ta để ở trong.

Người này chính là Giu-đa, đoạn Kinh Thánh này dạy rằng người là một tay trộm cướp, khi người giữ túi bạc thì người hay trộm lấy tiền của người ta để ở trong.

Vậy tại sao Giu-đa nộp Chúa Giê-su cho các thầy tế lễ cả? Tại vì người ham tiền.

2 Ti-mô-thê 4:10. 10 vì Ðê-ma đã lìa bỏ ta rồi, tại người ham hố đời nầy, và đã đi qua thành Tê-sa-lô-ni-ca. Cơ-rết-xen đi qua xứ Ga-li-lê, còn Tít thì đi xứ Ða-ma-ti rồi.

Tại sao Đê-ma lìa bỏ sứ đồ Phao-lô? Tại vì nó ham hố hưởng thụ của đời này.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên Giăng 12:62 Ti-mô-thê 4:10, ta thấy rằng Giu-đa và Đê-ma thất bại bỏ cuộc là tại vì họ bị dục vọng trong lòng quyến rũ, một người thì ham tiền, người kia thì ham hố hưởng thụ của đời này.

Gia-cơ 1:14 – 15. 14 Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi người bị dục vọng mình lôi cuốn và quyến rũ. 15 Khi dục vọng thai nghén sinh ra tội lỗi; tội lỗi trưởng thành sinh ra sự chết.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng khi ta chất chứa dục vọng trong lòng, thì dục vọng sẽ dẫn đến tội lỗi, rồi từ tội lỗi sẽ sinh ra sự chết. Giu-đa và Đê-ma bị dục vọng trong lòng lôi cuốn và quyến rũ, và họ pham tội lỗi mà lìa bỏ con đường công nghĩa của Chúa Trời Gia-vê.

Hê-bơ-rơ 12:1. 1 Bởi vậy, vì chúng ta được bao vây bởi nhiều người làm chứng như đám mây rất lớn, chúng ta nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy sự kiên trì chạy theo cuộc chạy đua đã bày ra trước mặt ta.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng chúng ta phải quăng hết gánh nặng và tội lỗi đi, bởi vì những sự này dễ vấn vương ta khiến ta chạy không được. Và ta nên lấy sự kiên trì mà chạy theo cuộc chạy đua này cho đến cùng.

Khi ta chạy đua, có bao giờ ta xách theo một cái túi lớn, một hành lý bự mà chạy không? Hẳn là không! Nếu ta xách theo những món này, ta đi còn đi không nổi, đừng nói chi là chạy đua. Khi chạy đua, ta không đem theo gì cả, ngay cả áo quần và đôi giày cũng phải rất nhẹ nhàng, như vậy ta mới có thể chạy được khoảng đường dài đó.

Những dục vọng trong lòng ta, thí dụ như ham tiền, ham hố hưởng thụ, ham mê quyền thế và danh vọng địa vị v.v. sẽ dẫn đến tội lỗi (căn cứ theo đoạn Kinh Thánh Gia-cơ 1:14 – 15 ở trên). Ta phải ăn năn hối cải và nhờ vào ân điển của Chúa Trời để cắt bỏ hoàn toàn những dục vọng và tội lỗi này. Như vậy ta mới có thể nhẹ nhàng thảnh thơi mà theo đuổi cuộc chạy đua thuộc linh đã bày ra trước mặt ta. Nếu ta không từ bỏ những dục vọng và tội lỗi trong lòng, thì chúng sẽ vấn vương ta khiến ta chạy không nổi, sau cùng ta phải bỏ cuộc giữa đường như Giu-đa và Đê-ma vậy, rốt cuộc ta sẽ đi vào con đường diệt vong.

Chúng Ta Phải Có Phương Hướng Và Mục Đích

Trong cuộc chạy đua Ma-ra-tông dài 42 kí-lô-mét thì cần phải có biển chỉ đường ở hai bên để chỉ rõ cho các đấu thủ biết nên đi về hướng nào, bằng không họ sẽ đi lạc đường. Trong cuộc chạy đua thuộc linh của Tín Đồ Cơ Đốc, chúng ta phải biết rõ phương hướng của mình, bằng không ta sẽ đi lạc đường mà còn không hay biết. Vậy ta sẽ chạy về hướng nào?

Phi-líp 3:13 – 14. 13 Hỡi anh em, tôi không nghĩ rằng tôi đã đạt được rồi, nhưng tôi cứ làm một điều: quên đi sự ở đằng sau và vươn mình theo đuổi sự ở đằng trước, 14 tôi nhằm mục đích để đoạt được phần thưởng của sự kêu gọi trên trời của Chúa Trời trong Chúa Giê-su Christ.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy rằng đầu tiên ta phải bỏ quên sự ở đằng sau và vươn mình theo đuổi sự ở đằng trước, thứ hai ta phải nhằm vào mục đích là để đoạt được phần thưởng ở trên trời.

Có nhiều Tín Đồ Cơ Đốc cho dù đã được ban cho cuộc sống mới rồi, nhưng họ cứ ngẫm nghĩ về những việc trong cuộc sống cũ, họ không bỏ quên được. Có người thì không chịu tha thứ cho người khác, họ cứ chứa chấp những ý tưởng giận hờn trong lòng. Trong một cuộc chạy đua, nếu ta cứ quay lại mà nhìn về đằng sau, thì làm sao mà chạy được? Sớm muộn gì ta sẽ té xuống ngã gục giữa đường!

Thí dụ: Có người trước kia là ở trong bè đảng trộm cướp, về sau người này trở thành Tín Đồ Cơ Đốc, người ăn năn hối cải và chịu phép báp-tem, rồi người bắt đầu cuộc sống mới. Trong cuộc sống mới này, người phải đi kiếm việc làm chính đáng, chứ người không nên trộm cướp nữa. Nhưng làm việc chính đáng thì chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, người phải sống một cuộc sống nghèo nàn, còn trộm cướp thì có rất nhiều tiền bạc ăn chơi tiêu xài. Nếu người này cứ ngẫm nghĩ về cuộc sống hưởng thụ trước kia, thì người không thể trưởng thành trong cuộc sống mới, ấy là nguy hiểm vô cùng, sớm muộn gì người sẽ phạm tội lỗi đi về con đường trộm cướp cũ xưa.

Bởi vậy sứ đồ Phao-lô dạy rằng ta phải bỏ quên sự ở đằng sau và vươn mình theo đuổi sự ở đằng trước. Trong cuộc sống cũ, cho dù ta được hưởng thụ vinh hoa phú quí, nhưng đó là cuộc sống tội lỗi nghịch với Chúa Trời, ta không nên ngẫm nghĩ về những chuyện cũ nữa. Trong cuộc sống mới, cho dù ta gặp khó khăn nghèo nàn, nhưng Chúa Giê-su luôn luôn ở cùng với ta và giúp đỡ ta. Chúa Giê-su dạy rằng Chúa Trời Gia-vê sẽ cung cấp cho ta mọi điều cần thiết : áo quần, đồ ăn, ta không cần phải lo lắng, ta cứ yên tâm, ta sẽ có đủ ăn, đủ mặc. Bây giờ ta nên hết lòng, hết sức, hết trí mà phụng sự Chúa Trời Gia-vê, học tập và thực hành lời dạy của Chúa Giê-su để được trưởng thành trong cuộc sống mới này, yêu thương anh chị em Tín Đồ và rao truyền Tin Lành cho người đời.

Điểm đầu tiên là ta nên bỏ quên sự ở đằng sau và vươn mình theo đuổi sự ở đằng trước. Thứ hai là ta phải nhằm mục đích mà chạy. Trong cuộc chạy đua thuộc linh này, ta chạy với mục đích là để đoạt được phần thưởng ở trên trời.

Mỗi một người đều có những chí hưởng trong cuộc đời. Có người thì muốn trở thành giàu sang, có người thì muốn được vinh dự, có người thì muốn trở thành nhà khoa học hay học giả danh tiếng v.v. Chính là những chí hướng này thúc đẩy ta ráng học ráng làm để tiến lên. Bây giờ chúng ta đã từ bỏ cuộc sống cũ rồi, ta có một cuộc sống mới. Trong cuộc sống mới này, ta không theo đuổi những mục đích giàu sang, vinh dự, danh vọng nữa, ta có mục đích mới.

Mục đích mới là cái gì? Mục đích mới là để đoạt lấy phần thưởng ở trên trời.

Xin các bạn để ý, tôi không phải nói rằng từ nay trở đi chúng ta không học tập không làm việc nữa. Ý của tôi không phải như vậy. Chúng ta vẫn ráng học, ráng làm việc, nhưng mục đích của ta không phải để đạt được danh vọng, giàu sang. Ta học tập và làm việc với mục đích là để đoạt lấy phần thưởng ở trên trời.

Thí dụ: Từ nhỏ tôi sống trong một gia đình nghèo, mộng tưởng của tôi là được trở thành nhà khoa học nổi tiếng, tôi ráng học để đạt được mục đích đó. Khi tôi sang Canada rồi, tôi thấy những người giàu sang sống trong căn nhà lớn, lái xe tối tân, họ đi du lịch chỗ này chỗ kia hàng năm, tôi ham mộ những điều này, tôi không muốn làm nhà khoa học nữa, tôi chỉ muốn hưởng thụ cuộc sống giàu sang thôi. Tôi ráng học để lấy được điểm cao, rồi sau này ra trường có thể kiếm được việc làm có tiền lương cao, rồi tôi cũng có thể hưởng thụ cuộc sống giàu sang phú quí. Nhưng lòng nhân từ thương xót của Chúa Trời cảm hóa lòng tôi, tôi vui lòng phó thác cuộc đời của mình vào trong tay của Ngài (xin đọc “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền” để biết rõ các chi tiết). Sau khi tôi trở thành Tín Đồ Cơ Đốc rồi, Chúa Trời Gia-vê làm biến đổi tâm hồn của tôi. Dần dần tôi không ham mộ nhà lớn xe mới nữa, hứng thú của tôi là học tập thực hành lời dạy của Chúa Giê-su và làm việc phụng sự Chúa Trời.

Mỗi lần tôi để hết sức lực tâm trí làm việc cho Chúa Trời, tuy rằng thân thể thì mệt lắm, nhưng lòng tôi lại vui sướng vô cùng. Tiền bạc mua không được niềm vui này, nhà lớn xe mới cũng không thể khiến tôi vui sướng như vậy. Lúc đó chồng tôi và tôi đều làm việc có tiền lương cao, chúng tôi có thể hưởng thụ cuộc sống giàu sang phú quí, nhưng tự nhiên chúng tôi không thích những điều này, chúng tôi chỉ say mê làm việc phụng sự Chúa Trời thôi. Trong công ty, chúng tôi vẫn ráng làm việc rất siêng năng, nhưng mục đích không phải để được thăng chức tăng lương, chúng tôi ráng làm việc siêng năng là để làm sáng danh Đức Cha ở trên trời, hầu cho người đời thấy những điều lành của ta mà ngợi khen Danh của Ngài. Bởi vậy bất cứ là phụng sự Chúa Trời hay làm việc trong công ty, mục đích của chúng tôi cũng là để làm đẹp lòng của Ngài, chúng tôi chỉ muốn được khen ngợi của Ngài thôi.

Rốt cuộc chúng tôi quyết định hiến dâng hoàn toàn cuộc sống của mình để truyền giảng Tin Lành, chúng tôi từ chức và rời khỏi Canada vào năm 1989 để đi sang các nước ở Á Châu. Trong những năm trời truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời, chúng tôi thấy cuộc sống theo đuổi mục đích mới là hạnh phúc biết bao!

Chúng Ta Phải Chạy Như Thế Nào Mới Có Thể Đoạt Được Phần Thưởng?

Vậy mục đích mới trong cuộc đời của ta là để đoạt được phần thưởng ở trên trời. Nhưng chúng ta phải chạy như thế nào mới có thể đoạt được phần thưởng?

Chính sứ đồ Phao-lô cũng dạy rằng tất cả những người trên sân vận động đều chạy, nhưng chỉ có một người chạy hạng nhất mới được lãnh phần thưởng, và chúng ta phải chạy sao cho được phần thưởng (căn cứ theo 1 Cô-rinh-tô 9:24).

Ta phải rất cẩn thận về điểm này, chúng ta là con cái của cùng một Đức Cha ở trên trời, chúng ta là các bộ phận của thân thể của Chúa Giê-su Christ, ta đừng bao giờ mang một tấm lòng ganh ghét các anh chị em. Cho dù chúng ta đều chạy đua để đoạt lấy phần thưởng, nhưng chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau.

Có người sẽ nói rằng điểm này thì khó hiểu quá, trong một cuộc chạy đua, nếu các đấu thủ giúp đỡ lẫn nhau thì còn chạy đua cái gì nữa? Làm sao mà chạy đua nếu ta giúp đỡ lẫn nhau?

Vâng, bây giờ tôi sẽ giải thích cho các bạn từng bước một.

Ma-thi-ơ 23:11 – 12. 11 Nhưng kẻ lớn nhất trong các ngươi thì sẽ làm đầy tớ các ngươi. 12 Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.

Lu-ca 22:25 – 26. 25 Và Chúa nói cùng chúng rằng: “Các vua chúa dân ngoại cai trị trên đầu họ, và những người cầm quyền cai trị được xưng là ân nhân. 26 Nhưng các ngươi thì không phải như vậy, kẻ lớn nhất trong các ngươi phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và kẻ lãnh đạo phải trở nên như kẻ hầu việc.”

Trong hai đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su dạy rằng trong nước Chúa Trời nếu ta muốn trở nên kẻ lớn nhất, thì ta phải làm đầy tớ, làm kẻ nhỏ nhất; nếu ta muốn làm kẻ lãnh đạo thì ta phải hầu việc cho người ta.

Chúa Giê-su nói rằng: “Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (căn cứ theo Ma-thi-ơ 23:12), xin các bạn ngẫm nghĩ coi, ai sẽ hạ xuống những kẻ tôn mình lên và tôn lên những kẻ hạ mình xuống?

Câu trả lời thì rất hiển nhiên, chỉ có Chúa Trời Gia-vê mới có quyền năng hạ xuống những kẻ tôn mình lên và tôn lên những kẻ hạ mình xuống.

Vậy người đấu thủ chạy đua thắng được phần thưởng là kẻ tôn mình lên hay là kẻ hạ mình xuống?

Câu trả lời cũng rất hiển nhiên, người đấu thủ chạy đua thắng được phần thưởng là kẻ hạ mình xuống, chứ không phải là kẻ tôn mình lên, tại vì nếu người tôn mình lên thì người sẽ bị Chúa Trời hạ xuống, người sẽ không được lãnh phần thưởng đâu.

Khi chúng ta tổng hợp hai điểm trên, ta thấy rằng người đấu thủ chạy đua hạng nhất chính là kẻ hạ mình xuống chỗ thấp hèn nhất, người vui lòng làm kẻ đầy tớ ở địa vị thấp nhất để hầu việc cho tất cả mọi người. Chính là một người như vậy sẽ được Chúa Trời tôn lên cao, Ngài sẽ ban phần thưởng hạng nhất cho người này.

Cuộc chạy đua thuộc linh này không phải như cuộc tranh đua thuông thường trên đời này, hỡi các bạn ơi! Chúng ta không phải tranh đua về tài hùng biện, không phải tranh đua về học vấn cao siêu, không phải tranh đua về địa vị cao cấp, không phải tranh đua để giành được người đời khen ngợi nhiều nhất. Không! Hoàn toàn không phải!

Chúa Giê-su dạy rằng kẻ lớn nhất trong các ngươi phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và kẻ lãnh đạo phải trở nên như kẻ hầu việc, bởi vậy người nào muốn trở thành kẻ lớn nhất thì phải làm việc thấp hèn nhất đi hầu hạ mọi người.

Chúng ta tranh đua để coi ai là người làm việc thấp hèn nhất, ai đã hầu hạ anh chị em nhiều nhất, ai làm việc cực khổ nhất, ai hy sinh nhiều nhất vì công việc của Chúa Trời!

Bởi vậy sứ đồ Phao-lô thường hay nói về những gian khổ người đã chịu.

2 Cô-rinh-tô 11:24 – 30. 24 Năm lần bị người Giu-đa đánh roi bốn mươi bớt một; 25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu, một đêm một ngày lênh đênh trên biển cả. 26 Trong nhiều cuộc hành trình, tôi bị nguy trên sông ngòi, nguy với trộm cướp, nguy giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong sa mạc, nguy ở ngoài biển, nguy với anh em giả mạo; 27 chịu khó chịu nhọc, nhiều lúc thức đêm, chịu đói khát, thường thiếu lương thực, chịu lạnh và lõa lồ. 28 Chưa kể những việc khác, mỗi ngày tôi phải lo lắng cho tất cả các hội thánh. 29 Nào có ai yếu đuối mà tôi chẳng yếu đuối? Nào có ai vấp ngã mà lòng tôi chẳng như nung như đốt? 30 Nếu tôi phải khoe mình, tôi sẽ khoe về sự yếu đuối của tôi.

Sứ đồ Phao-lô chỉ khoe về sự yếu đuối của mình.

1 Cô-rinh-tô 2:1 – 5. 1 Hỡi anh em, khi tôi đến cùng anh em, tôi chẳng dùng lời cao xa hay khôn khéo mà tuyên bố cho anh em biết chứng cớ của Chúa Trời. 2 Vì tôi đã quyết định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Chúa Giê-su Christ và Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự. 3 Và tôi đã đến với anh em trong sự yếu đuối, sợ hãi, và run rẩy. 4 Lời nói và truyền giảng của tôi chẳng phải bằng lời thuyết phục của sự khôn ngoan, nhưng bằng sự thể hiện của Thánh Linh và quyền năng, 5 hầu cho đức tin của anh em chẳng xây dựng trên sự khôn ngoan của loài người, nhưng trên quyền năng của Chúa Trời.

Sứ đồ Phao-lô chưa hề khoe về tài năng của mình, thực ra khi người truyền giảng Tin Lành, người đến bằng tấm lòng run rẩy và yếu đuối, người chỉ nói về Chúa Giê-su Christ và Chúa chịu đóng đinh trên cây thập tự thôi, chứ người không bao giờ dùng tài hùng biện hay thông minh trí tuệ của thế gian để thuyết phục người ta tin vào Chúa Giê-su.

Nói tóm lại, ta chạy với mục đích là để đoạt được phần thưởng, nhưng ta phải có một thái độ chính đáng trong lòng, ta không bao giờ ganh ghét các anh chị em Tín Đồ. Chúng ta tranh đua về việc làm thấp hèn nhất và cực khổ nhất, ta tranh đua về công việc hy sinh nhiều nhất vì truyền giảng Tin Lành, chứ ta không phải tranh đua về tài năng học vấn và thành tích vẻ vang của mình.

Ta Phải Có Tiết Độ Trong Mọi Sự Và Khép Thân Thể Vào Kỷ Luật Và Bắt Nó Phải Phục Tùng

Ngoài một thái độ chính đáng trong lòng, chúng ta phải rèn luyện tiết độ trong mọi sự (căn cứ theo 1 Cô-rinh-tô 9:25), ta còn phải khép thân thể mình vào kỷ luật và bắt nó phải phục tùng (căn cứ theo 1 Cô-rinh-tô 9:27).

Tại sao ta phải rèn luyện tiết độ trong mọi sự? Tại vì chúng ta phải tranh đua trở nên kẻ thấp hèn nhất, ấy là hoàn toàn trái ngược với bản tánh của ta, chúng ta không bao giờ làm được điều này bằng khả năng của mình. Chúng ta phải nhờ cậy vào quyền năng của Thánh Linh mới có thể làm được như vậy, và tiết độ chính là một trong 9 đức tính trong quả của Thánh Linh.

Ga-la-ti 5:22 – 23. 22 Nhưng quả của Thánh Linh là: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, 23 nhu mì, tiết độ. Không có luật pháp nào ngăn cấm các sự đó.

Tiết độ là ở trong quả của Thánh Linh. Tiết độ trong mọi sự có nghĩa là trong bất cứ tình trạng nào chúng ta đều phải tìm cầu và vâng theo sự chỉ dẫn của Thánh Linh, ta không bao giờ để cảm tình tư dục trong xác thịt quyến rũ mình rồi ta làm theo ý riêng để thỏa mãn dục vọng trong lòng.

Muốn có tiết độ trong một vài việc đã khó khăn lắm rồi, mà muốn có tiết độ trong mọi sự là điều không bao giờ làm được. Cho nên ta phải luôn luôn nhờ cậy vào Thánh Linh để rèn luyện tiết độ trong mọi sự ngay từ bây giờ.

Chúng ta phải khép thân thể mình vào kỷ luật và bắt nó phải phục tùng có nghĩa là ta phải kiềm chế dục vọng của thân thể và bắt nó phải vâng phục lời của Chúa Trời. Ta sử dùng thân thể này để phụng sự Chúa Trời, chứ ta không bao giờ để dục vọng của thân thể quyến rũ ta mà đi làm những việc trái ngược với lời của Ngài.

Thí dụ: Loài người đều ham thích được người ta khen ngợi, chúng ta đều muốn ngồi trên địa vị cao hơn người khác, ấy là dục vọng của xác thịt. Nếu ta không kiềm chế dục vọng này, thì dục vọng này sẽ quyến rũ ta, ta sẽ làm những việc để được người ta khen ngợi cho dù những việc đó không hợp với ý chỉ của Chúa Trời, ta sẽ tranh giành với nhau để trèo lên địa vị cao sang rồi gây ra bất hòa ghen ghét giữa các anh chị em Tín Đồ v.v.

Đây chỉ là một vài thí dụ rất đơn giản thông thường, có nhiều người đầy tớ của Chúa Trời vì không kiềm chế nổi tư dục của mình mà đã phạm tội tà dâm, ăn cắp tiền bạc của hội thánh, làm sỉ nhục Danh của Chúa Trời Gia-vê.

Mão Miện Không Hư Nát

Có người sẽ nói rằng làm đấu thủ chạy đua thì khó khăn quá! Tại sao chúng ta phải chịu khó như vậy để đoạt được phần thưởng trên trời? Mà phần thưởng trên trời đó là cái gì?

Phần thưởng trên trời là cái mão miện không hư nát do Chúa Trời ban cho ta, mão miện này sẽ tồn tại mãi mãi. Các bạn có biết mão miện này là tượng trưng cho cái gì không?

Trong thời kỳ của Tân Ước, một phần lớn của Á Châu, Âu Châu và Phi Châu đều là dưới quyền cai trị của Đế Quốc La-mã. Trong xã hội của Đế Quốc La-mã, dân chúng chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ thông dụng nhất hồi đó. Ông vua La-mã đội một cái mão miện bằng vàng và có châu báu quý giá. Theo tập tục của người Hy Lạp, những thi nhân xuất sắc thì được ông vua ban cho phần thưởng, phần thưởng đó là một cái vòng hoa đội trên đầu, cái vòng hoa đó cũng gọi là mão miện. Mà lẽ dĩ nhiên mão miện của thi nhân thì rất khác biệt với mão miện của ông vua. Xã hội La-mã hồi đó thường tổ chức những cuộc vận động, các đấu thủ được thắng cũng được ông vua ban cho cái vòng hoa đội trên đầu gọi là mão miện. Khi Chúa Giê-su bị bắt, những người lính làm nhục Chúa, họ dùng gai làm thành một cái vòng như hình dạng của mão miện và đặt cái mão gai này trên đầu của Chúa, rồi họ quỳ xuống trước mặt Chúa mà nhạo báng rằng: “Lạy vua của dân Giu-đa!”

Cái mão miện của các thi nhân và các đấu thủ được thắng chỉ là một vòng hoa thôi, lẽ dĩ nhiên cái vòng hoa đó sẽ hư nát rất nhanh. Nhưng dù sao đi nữa, mão miện đó vẫn là cái vinh dự rất lớn mà các thi nhân và đấu thủ vận động muốn đoạt lấy. Sứ đồ Phao-lô so sánh cái mão miện có thể hư nát của họ với phần thưởng của ta là cái mão miện không hư nát. Cái mão miện không hư nát là cái gì?

Gia-cơ 1:12. 12 Phước cho kẻ kiên trì trong cơn cám dỗ, vì sau khi chịu nổi sự thử thách rồi, người sẽ nhận lãnh mão miện của sự sống mà Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng nếu ta kiên trì khi ta bị cám dỗ, thì ta là kẻ có phước, bởi vì nếu ta có thể đứng vững trong sự thử thách, Chúa Trời sẽ ban cho ta mão miện của sự sống dành cho kẻ kính mến Ngài.

Khải Huyền 2:10. 10 Ngươi chớ sợ hãi khổ nạn mình sẽ chịu. Này, ma quỉ sẽ tống một số người trong các ngươi vào tù ngục, hầu cho các ngươi chịu thử thách, các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Hãy giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão miện của sự sống.

Câu này là lời nói của Chúa Giê-su. Chúa khuyến khích các anh chị em Tín Đồ đừng có sợ hãi vì phải chịu khổ. Ma quỉ sẽ tống nhiều anh chị em vào tù ngục để thử thách họ, họ sẽ chịu hoạn nạn trong mười ngày. Ở đây “mười ngày” chỉ là con số đại diện cho một khoảng thời gian nào đó, chưa chắc là mười ngày. Chúa khuyến khích các anh chị em Tín Đồ ráng giữ gìn trung tín cho đến chết, cho dù chịu khổ cũng đừng có nản lòng, rồi Chúa sẽ ban cho họ cái mão miện của sự sống.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng những người Tín Đồ gìn giữ trung tín với Chúa Trời Gia-vê cho đến cùng, cho dù bị khổ nạn họ không nản lòng, họ một mực vâng giữ lời dạy của Ngài cho đến chết, thì họ là những người thực sự kính mến Ngài. Chúa Trời sẽ ban cho họ mão miện của sự sống. Lẽ dĩ nhiên mão miện của sự sống tức là sự sống đời đời ở nước Thiên Đàng.

Mà phần thưởng của cuộc chạy đua thuộc linh chính là cái mão miện, tức là sự sống đời đời. Nếu chúng ta không hoàn thành cuộc chạy đua thuộc linh, chúng ta bỏ cuộc giữa đường thì ta không được nhận lãnh sự sống đời đời. Sự sống đời đời là cho những người kiên trì và gìn giữ trung tín với Chúa Trời cho đến cùng. Ma quỉ sẽ tìm đủ mọi cách để cản trở ta và khiến ta bỏ cuộc, bởi vậy ta cần phải quăng hết gánh nặng của tội lỗi và kiềm chế tư dục trong lòng, như vậy ta mới có thể hoàn thành cuộc chạy đua.

Ngoài mão miện của sự sống ra, trong Kinh Thánh cũng có nói về “mão miện vinh hiển” cho những người truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời.

1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:19. 19 niềm hy vọng, vui mừng và mão miện vinh hiển của chúng tôi là gì? Há chẳng phải là anh em được đứng trước mặt Chúa Giê-su của chúng ta khi Chúa đến sao?

Trong câu Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô nói rằng các anh chị em Tín Đồ chính là mão miện vinh hiển của người. Bởi vì sứ đồ đã đổ hết cuộc sống của mình vào việc truyền giảng Tin Lành và xây dựng hội thánh, trong tương lai khi Chúa Giê-su ban phần thưởng cho các đầy tớ của Chúa, phần thưởng đó là căn cứ vào công việc phụng sự của họ, mà công việc phụng sự của sứ đồ Phao-lô là bày tỏ trong cuộc sống của các anh chị em Tín Đồ. Cho nên các anh chị em Tín Đồ chính là mão miện vinh hiển của người.

1 Phi-e-rơ 5:2 – 4. hãy chăn bầy chiên của Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm công việc đó chẳng phải bị ép buộc, nhưng vì vui lòng làm theo ý chỉ của Ngài, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, nhưng bởi nhiệt thành, chẳng phải ngồi trên cao mà quản trị những kẻ đã được giao phó cho anh em, nhưng làm gương tốt cho cả bầy. Khi đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, thì anh em sẽ được mão miện vinh hiển, chẳng hề tàn héo.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích những người đã được giao cho chức vụ chăm nom hội thánh hãy hết lòng chăn giữ bày chiên của Chúa Trời, họ làm việc đó chẳng phải bị ép buộc, chẳng phải vì lợi ích riêng, nhưng vì họ vui lòng làm theo ý chỉ của Chúa Trời. Sứ đồ khuyên họ đừng có ngồi trên cao mà ra lệnh cai quan bày chiên, nhưng phải làm gương tốt cho các anh chị em. Rồi trong tương lai, khi đấng làm đầu các kẻ chăn chiên, tức là Chúa Giê-su hiện ra, thì Chúa sẽ ban cái mão miện vinh hiển cho họ.

Hai đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng những đầy tớ trung tín của Chúa Trời đã hết lòng hết sức truyền giảng Tin Lành thì sẽ được ban cho một phần thưởng đặc biệt là cái mão miện vinh hiển.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo danh hiệu “Đấu thủ chạy đua”. Cuộc sống mới của Tín Đồ Cơ Đốc là một cuộc chạy đua thuộc linh, mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đều là đấu thủ tham dự vào cuộc chạy đua thuộc linh này.

  • Ta phải quăng hết gánh nặng và tội lỗi mà chạy.
  • Ta phải bỏ quên sự ở đằng sau và vươn mình theo đuổi sự ở đằng trước.
  • Ta nhằm thẳng vào mục đích là đoạt lấy phần thưởng ở trên trời.
  • Ta ganh đua làm việc thấp hèn nhất và cực khổ nhất, chứ ta không tranh giành địa vị cao nhất, ta không ganh ghét các anh chị em Tín Đồ.
  • Ta phải rèn luyện tiết độ trong mọi sự và khép thân thể vào kỷ luật và bắt nó phải phục tùng lời của Chúa Trời.
  • Nếu ta kiền trì trong gian khô, gìn giữ trung tín cho đến cùng, ta sẽ được ban cho mão miện của sự sống tức là sự sống đời đời.
  • Những người đầy tớ của Chúa Trời đã hết lòng hết sức truyền giảng Tin Lành và xây dựng hội thánh sẽ được ban cho một phần thưởng đặc biệt là mão miện vinh hiển.

Tôi mong rằng hết thảy các anh chị em Tín Đồ đều hết lòng hết sức mà theo đuổi cuộc chạy đua thuộc linh này cho đến cùng. Khi giờ phút đến chúng ta phải rời thế gian này để trở về cùng Đức Cha ở trên trời, chúng ta có thể nói như Sứ Đồ Phao-lô vậy:

2 Ti-mô-thê 4:6 – 8. 6 Ta đang bị đổ ra làm tế lễ, giờ qua đời của ta gần rồi. 7 Ta đã đánh trận chiến tốt lành, ta đã hoàn tất cuộc chạy đua và giữ vững đức tin. 8 Từ nay trở đi, có mão miện của công nghĩa đã để dành cho ta, Chúa là vị Thẩm Phán công nghĩa sẽ ban mão này cho ta vào ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi người yêu mến sự hiện đến của Chúa.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church