You are here

Bài Làm Chứng (9)

Bài Làm Chứng Của Mục Sư Trương Hy Hòa (4)

Tôi Nhận Biết Đức Chúa Trời Như Thế Nào


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Đức Chúa Trời Cung Cấp Mọi Điều Cần Thiết Cho Tôi Trong Học Viện Kinh Thánh

Chúa Trời tiếp tục làm nhiều phép lạ trong đời tôi. Khi tôi đến nước Anh, tôi không quen biết ai cả. Bởi vì tôi không được phép kiếm việc làm ở nước Anh, tôi phải nhờ cậy vào Chúa Trời cung cấp mọi điều cần thiết cho tôi trong kỳ học. Đôi khi Chúa Trời thử thách đức tin của tôi. Trước kỳ học cuối cùng ở học viện Kinh Thánh bắt đầu, tôi không có tiền trả học phí. Tôi đếm số tiền của tôi trong túi, tôi thấy rằng tôi sẽ mắc nợ người ta nếu tôi ở lại thêm hai, ba ngày nữa. Tôi phải làm gì đây? Đoạn Kinh Thánh Rô-ma 13:8 dạy rằng chúng ta không nên mắc nợ ai hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi. Tôi không muốn mắc nợ một người nào cả, ngay cả Học Viện Kinh Thánh.

Tôi nói cho người giữ sổ đăng ký rằng tôi sẽ rời học viện Kinh Thánh, bởi vì tôi không có tiền trả học phí. Ông này đặt tay trên vai tôi nói rằng: “Anh Hòa, chúng tôi không nghĩ rằng anh mắc nợ đâu, ít nhất chờ đến ngày sau cùng của kỳ học.” Rồi tôi nói rằng: “Ông Williamson, nếu Chúa Trời không cung cấp tiền học phí cho tôi vào đầu kỳ học, làm sao mà tôi biết được Ngài sẽ cung cấp cho tôi vào cuối kỳ học. Lúc đó tôi sẽ mắc nợ, và như vậy là không hợp với nguyên tắc của Kinh Thánh.” Ông này nài xin tôi ở lại, nhưng tôi cho ông biết rằng tôi phải đi. Bằng cấp thì không quan trọng gì hết đối với tôi.

Tôi trở về phòng tôi ở trên lầu. Tôi cảm ơn Chúa Trời đã cho tôi một cơ hội để theo học tại học viện Kinh Thánh. Nếu Chúa Trời ý định cho tôi rời khỏi học viện, thì tôi vui lòng tuân theo ý định của Ngài. Tôi lấy cuốn tập ra định viết vài bức thư tạm biệt cho bạn bè, thì tôi thấy có cái gì ở trong cuốn tập của tôi đây? Một bộc tiền pound Anh ở đó. Tôi tưởng rằng tôi đang ở trong giấc mơ, nhưng đó quả thật là một món tiền vừa đủ cho các chi tiêu trong kỳ học cuối cùng của tôi. Tôi chưa hề kinh lịch một sự kiện như vậy.

Tôi đi xuống để gặp ông Williamson, ông này chắc đang chờ đợi tôi đến bắt tay tạm biệt ông. Quí vị có thể tưởng tượng được ông này ngạc nhiên đến mực nào khi tôi trao cho ông một bộc tiền Anh. Sau khi tôi giải thích mọi việc cho ông nghe, ông nói với tôi rằng: “Anh Hòa, trong học viện Kinh Thánh này chúng ta đã thấy nhiều sự kiện kỳ diệu xảy ta trong cuộc đời của anh.”

Đức Chúa Trời Dẫn Dắt Bảo Hộ Con Cái Của Ngài Một Cách Kỳ Diệu

Tôi phải nhảy qua nhiều năm và nhiều sự kiện mà Chúa Trời đã làm từ thời kỳ học sinh của tôi đến bây giờ. Tôi muốn kể thêm một vài việc xảy ra chẳng bao lâu về trước. Việc này bày tỏ cho ta thấy Đức Chúa Trời dẫn dắt con cái của Ngài ra sao khi họ đi cùng với Ngài.

Vào năm 1985, một hôm tôi đang lái xe, tôi ngừng lại ở một nơi gần nhà tôi. Ở Canada, khi một chiếc xe đến một chỗ có dấu hiệu ngừng xe thì phải ngừng lại hoàn toàn. Rồi xe nào ngừng trước nhất sẽ có quyền đi trước. Sau khi tôi ngừng lại rồi, tôi đang sửa soạn gia tốc để đi tiếp thì bỗng có tiếng nói của Chúa Trời rằng: “Đừng đi!” Cho nên tôi ngừng lại không đi. Bất thình lình có một chiếc xe buýt chạy vượt qua chỗ giao nhau. Người lái xe chẳng những không ngừng tại dấu hiệu ngừng xe, và ông cũng không ngừng tại trạm xe buýt ở phía trước của dấu hiệu ngừng xe nữa. Nếu tôi đã gia tốc, thì chiếc xe buýt sẽ đụng ngay vào chiếc xe của tôi. Đây không phải là lần đầu tiên Chúa Trời bảo hộ sinh mạng tôi.

Bây giờ tôi kể sự kiện thứ hai. Trong mấy tháng vừa qua, có vài anh chị em trong Hội Thánh chúng tôi có người cha hay người mẹ hoặc là cả cha mẹ chết đi hay nằm bịnh trong bịnh viện. Có một người chị em đang phụng sự Chúa ở Hội Thánh Toronto của chúng tôi, cha của chị này có bịnh đái đường, rồi gây lên nhiều thứ bịnh khác ở thận. Một hôm chị này điện thoại tôi rất khẩn cấp: “Tôi vừa nhận được một điện thoại của gia đình tôi ở Mã Lai cho tôi hay rằng bịnh của ba tôi trở nên nặng lắm. Nhưng chính ông bác sĩ cũng không biết tình trạng của ba có nguy hại đến tính mạng hay không. Tôi có nên đi về không?” Tôi bảo chị này cầu xin Chúa Trời. Sau khi tôi chờ đợi trước mặt Chúa Trời, tôi nhận được chỉ thị của Ngài rằng ba của chị này sẽ chết trong một khoảng thời gian ngắn. Tôi nói với chị này rằng: “Đi về Mã Lai ngay lập tức để chị có thể truyền giảng Tin Lành cho ba của chị trước khi ba qua đời.” Chị này bèn đi máy bay về Mã Lai ngay. Khi chị này đến nhà, thì ba của chị hình như ở một tình trạng khá tốt. Chị này có cơ hội truyền giảng Tin Lành cho ba được 2,3 ngày. Chị này là một cô y-tá, chị cũng hiểu biết về các vấn đề y khoa. Thấy rằng tình trạng của ba cũng khá tốt, chị này đi thăm vài anh chị em ở Hội Thánh Mã lai, họ mới từ Hội Thánh Montréal trở về. Trong khi chị này đi vắng, thì ba của chị chết đi. Ba của chị chết bất thình lình, chị này cũng ngạc nhiên lắm. Nhưng Chúa Trời đã cho tôi biết trước rằng ba của chị này chẳng sống được bao lâu nữa, bởi vậy tôi bảo chị này đi về liền.

Một sự kiện tương tự như vậy xảy ra chẳng bao lâu sau sự kiện vừa rồi. Một anh Tín Đồ ở Canada nhận được một điện thoại khẩn cấp từ gia đình ở Hong Kong nói rằng ba của anh bị đau tim sắp chết. Anh này điện thoại tôi liền hỏi tôi rằng anh có nên đi về không. Chúa trời cho tôi một tin tức ngay lập tức: ba của anh này sẽ không chết. Tôi nói cho anh này biết khải thị của Chúa, nhưng anh này giải thích rằng vài bác sĩ đều nói rằng tình trạng của ba rất nguy hiểm. Nhưng tôi nói với anh rằng: “Chúa Trời nói rằng ba của anh sẽ không chết!” Đúng như lời của Chúa Trời đã nói, ba của anh này vẫn còn sống cho đến hôm nay.

Khi quí vị đi cùng với Chúa Trời, Chúa sẽ cho quí vị biết nhiều sự bí mật (xin tham khảo đoạn Kinh Thánh ở A-mốt 3:7; Đa-ni-ên 2:19, 22, 28, 30.) Trong hai sự kiện này, lời khải thị của Chúa Trời mà tôi nhận được là công khai cho mọi người khám xét. Kết quả sẽ chứng tỏ liền tôi có phải là một tiên tri giả hay không. Không phải như thầy bối, tôi không có nói những chuyện dự đoán mơ hồ không rõ. Ngược lại, những lời mà Chúa Trời đã khải thị cho tôi và qua tôi thì rất rõ ràng không mơ hồ gì cả, và mọi việc đều có thể chứng minh khám xét.

Sự vĩ đại của Chúa Trời thật là kỳ diệu. Tôi chỉ kể một phần nho nhỏ của những việc Ngài đã làm; những thí dụ này thì khó mà giải thích bằng việc làm của người ta được.

Bây giờ quí vị nhận thấy tôi trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc thì không thể tách rời với việc phụng sự Đức Chúa Trời. Tôi không thể lựa chọn việc gì khác, tôi phải phụng sự Chúa Trời bởi vì tôi đã hẹn với Ngài rồi. Thật ra cũng có vài lần tôi muốn trốn đi, nhưng Chúa Trời thì luôn luôn nhắc lại cho tôi lời tôi đã hẹn với Ngài. Trong bao nhiêu năm này Chúa Trời đã gìn giữ tôi trên con đường phải, hầu cho tôi có thể phụng sự Ngài qua ân điển của Ngài.

Có một số người hỏi tôi rằng: “Tại sao đối với mục sư thì Chúa Trời lại chân thật quá? Tại sao chúng tôi không kinh lịch được những việc như vậy?” Bí mật thì rất đơn giản: Nếu quí vị giao phó cuộc đời của quí vị hoàn toàn vào trong tay của Chúa Trời, và quí vị vui lòng vác thập tự giá của mình mà đi theo Chúa Giê-su, thì quí vị sẽ kinh lịch được những việc kỳ diệu từ Chúa Trời cũng như tôi từng kinh lịch vậy.

Nhận Biết Đức Chúa Trời Và Đức Chúa Giê-su Christ

Trong chương này tôi muốn tuyên bố sự vinh diệu của Đức Chúa Trời, lòng thương xót của Ngài, lòng nhân từ của Ngài, trí tuệ của Ngài, cái Danh của Ngài. Tôi muốn tuyên bố Đức Chúa Trời là ai, tôi muốn tuyên bố tính tình của Ngài, và Đức Chúa Trời là một Đấng như thế nào.

Đối với tôi, trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc thì không phải là gia nhập một tôn giáo. Tôi chưa hề thích thú tôn giáo, và cho đến hôm nay tôi vẫn không thích thú tôn giáo. Trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc là nhận biết Đức Chúa Trời có nghĩa là nhận biết Chúa Trời là Đấng hằng sống. Chính là trong quá trình nhận biết Chúa Trời mà chúng ta hiểu rằng trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc thì không có liên quan gì với học thức của quí vị là cao hay thấp. Tôi không chống đối học thức, chính tôi cũng tốn nhiều thì giờ trong việc học tập. Nhưng quí vị không phải là Tín Đồ Cơ Đốc chỉ vì quí vị đã hiểu biết học thuyết, lịch sử và tổ chức của Đạo Cơ Đốc. Tất cả những điều này không làm cho quí vị trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc đâu. Điều căn bản của một Tín Đồ Cơ Đốc là nhận biết Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô nói rằng người chỉ muốn một điều là nhận biết Đấng Christ (Phi-líp 3:8, 10). Trong 1 Giăng 5:20 thì có nói rằng Đấng Christ chính là sự sống đời đời. Cho nên mọi việc đều tùy thuộc vào nhận biết Chúa Giê-su Christ.

Điều mà tôi muốn tuyên bố là Chúa Trời đã giảng dạy cho tôi hiểu biết những việc của Ngài. Tôi cũng muốn nói rõ rằng kinh lịch của mỗi một người ắt phải khác nhau. Cho nên bạn đã kinh lịch được điều gì thì bạn không cần phải so với kinh lịch của tôi, bởi vì Chúa Trời đã bày tỏ chính mình cho mỗi một người một cách khác biệt. Tôi muốn nhấn mạnh về điểm này bởi vì khi bạn thấy tôi kinh lịch một việc kỳ diệu, và bạn nói: “Tôi chưa hề kinh lịch một sự kỳ diệu như vậy.” Không sao đâu, kinh lịch của bạn tuy không kỳ diệu như vậy, nhưng vẫn rất chân thật.

Chúng tôi không phải tìm kiếm một kinh lịch kỳ diệu. Chẳng hạn như khi Chúa Giê-su hiện ra trước sứ đồ Phao-lô, lúc đó người chưa trở thành một sứ đồ, và người vẫn còn gọi là Sau-lơ. Nhưng trên đường Đa-Mách, có ánh sáng lớn từ trời soi-sáng chung quanh người làm cho người từ trên lưng ngựa té xuống đất và bị mù vài ngày. Tình hình này thì rất kỳ diệu, và bạn nói: “Tôi chưa hề có kinh lịch như vậy.” Chẳng sao đâu, bạn kinh lịch Chúa Trời vẫn rất chân thật cho dù bạn không có từ trên lưng ngựa té xuống, cho dù bạn không có bị mù ba ngày.

Kinh Lịch Đặc Biệt Kèm Theo Đau Khổ Đặc Biệt

Một điều tôi muốn nói ở đây: Nếu kinh lịch nào là đặc biệt lắm, thì bạn phải sẵn sàng, Đức Chúa Trời sẽ kêu gọi bạn làm những việc rất khó khăn. Thí dụ: Phao-lô có kinh lịch rất đặc biệt này, và kết quả là Chúa Trời giao những việc rất khó khăn cho người làm. Như vậy có nghĩa là nếu bạn muốn được những kinh lịch đặc biệt, thì bạn phải sẵn sàng chịu những đau khổ đặc biệt, cũng như sứ đồ Phao-lô đã được kêu gọi phải chịu đựng đau khổ vậy (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:16.) Nếu bạn không muốn chịu đựng những đau khổ đặc biệt này, thì bạn đừng nghĩ về những kinh lịch đặc biệt, bạn chỉ lắng tai nghe người ta kể lại những kinh lịch của họ, và để họ chịu đựng những đau khổ đặc biệt đó.

Khi tôi chia sẻ những việc này, tôi sẽ không nói về những đau khổ mà tôi từng trải vì lòng thương xót của Chúa Trời. Mỗi lần khi những đả kích và đau khổ đến, thì tôi nhớ lại đó chính là điều mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi làm, và phần lớn của sự kêu gọi này thì luôn luôn chứng tỏ cho tôi thấy mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và tôi một cách chân thật qua những kinh lịch này.

Thi Thiên 9:11. Hãy báo cáo giữa các dân công việc tối cao của Ngài.

Thi Thiên 66:16. Hỡi hết thảy người kính sợ Đức Chúa Trời, hãy đến nghe, thì tôi sẽ thuật lại điều mà Ngài đã làm cho linh hồn tôi.

Thi Thiên 73:28. Đặng thuật lại hết thảy các công việc của Ngài.

Thi Thiên 145:6. Còn tôi sẽ rao truyền sự cao-cả của Chúa.

Trong Thi Thiên thì cứ lập đi lập lại nhiều lần như vậy: thuật lại công việc của Ngài, tuyên bố sự vinh diệu của Ngài cho các nước, cho dân chúng. Đó chính là điều mà tôi đang làm.

Có nhiều người nói với tôi rằng: “Chúa Trời đã cho mục sư kinh lịch được nhiều sự kỳ diệu như vậy, mà Chúa lại không cho tôi kinh lịch gì cả, thiệt là không công bằng.” Tôi mong rằng quí vị hãy nhớ kỹ những điều tôi đã nói. Quí vị cũng có thể kinh lịch được các sự việc như vậy, không chừng còn kỳ diệu hơn nữa, miễn là quí vị sẵn sàng chịu khổ vì cớ của Chúa Trời. Bằng không thì đừng nghĩ về kinh lịch gì cả. Như vậy thì có nghĩa là mỗi một kinh lịch do Chúa Trời ban cho đều kèm theo một giá riêng. Nếu quí vị không sẵn sàng trả giá đó, thì đừng có tìm kiếm là hơn.

Còn tôi thì tôi yêu thích cái đặc quyền ban cho tôi để tôi nhận biết Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ, và những đau khổ đi kèm với sự nhận biết này. Tôi cũng nói như sứ đồ Phao-lô đã nói trong Phi-líp 3:10: “cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép của sự sống lại của Ngài, và sự tương giao khổ nạn của Ngài đặng làm cho tôi trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài.” Đó là phương cách mà sứ đồ Phao-lô dùng để nhận biết Chúa Giê-su. Quí vị muốn nhận biết Chúa Giê-su đến mực nào đây?

Qua Những Khó Khăn Khổ Nạn Mà Năng Lực Của Chúa Trời Được Bày Tỏ

Bây giờ để tôi kể tiếp phần thứ tư của câu chuyện của đời tôi. Tôi muốn nói rõ rằng tôi chỉ nhấn mạnh về vài sự kiện thôi, bởi vì trong một tiếng đồng hồ thì tôi không cách nào kể hết tất cả những việc xảy ra trong cả một thời kỳ của cuộc đời tôi: Thời kỳ ở Luân Đôn. Những phần trước thì nói về cuộc đời tôi và gia đình tôi ở Trung Quốc, rồi đến thời kỳ ở Ê-cốt. Trong chương này tôi sẽ tập trung về những năm tôi ở Luân Đôn. Trong những năm đó, tôi kinh lịch bao nhiêu việc Đức Chúa Trời đã làm trong cuộc đời của tôi, tôi chỉ có thể kể ra vài điểm quan trọng thôi.

Chính là qua những khó khăn và nhất là những khổ nạn mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ năng lực của Ngài. Nếu không có khó khăn nào cả, thì chúng ta không có cơ hội để kinh lịch những việc Chúa Trời làm. Nếu quí vị không có cần thiết về tiền bạc hay vật chất, và quí vị là tôi tớ của Chúa hay là con cái của Chúa, mà quí vị không có gặp khó khăn gì về tài chánh, thì làm sao mà quí vị có cơ hội kinh lịch được sự cung cấp của Chúa Trời? Nếu quí vị không cần gì cả, cho nên cũng không có cơ hội để Chúa Trời giúp đỡ quí vị. Tôi thương xót cho những kẻ không có điều gì cần thiết bởi vì họ cũng không có cơ hội để kinh lịch Chúa Trời. Xin quí vị nhớ kỹ điểm này.

Nếu quí vị không có bịnh tật gì cả, thì quí vị cũng không kinh lịch được Đức Chúa Trời. Thân thể tôi phải nhờ cậy vào Chúa Trời hàng ngày. Bây giờ thân thể tôi đã yếu đến mực nếu không có sự nâng đỡ của Chúa Trời thì tôi không sống qua một ngày nào được. Trước kia tôi cũng mạnh khỏe như ai vậy, hôm nay tôi đau ở lưng, cho dù chỉ đứng dậy chừng 10 hay 15 phút cũng làm cho tôi đau nhức vô cùng. Như vậy thì tôi phải làm gì? Tôi chỉ có tập nhờ cậy vào Chúa Trời. Sự cần thiết trở thành cơ hội cho Chúa Trời.

Andrew McBeath – Hiệu Trưởng Của Học Việc Kinh Thánh Ở Ê-cốt

Ở Ê-cốt, tôi học tại học viện Kinh Thánh được 2 năm trời, đó là một học viện Kinh Thánh lâu nhất và nổi tiếng nhất ở nước Anh. Học viện đó là do D.L. Moody thiết lập. Nếu quí vị quen biết truyền thống của Đạo Cơ Đốc ở Tây Phương, thì quí vị sẽ biết người truyền đạo vĩ đại D.L. Moody. Học viện Kinh Thánh Moody ở Chicago cũng là do Moody thiết lập. Sanky là bộ trưởng âm nhạc phụ trách về âm nhạc. Bất cứ Moody đi đâu, Sanky cũng đi theo và chăm lo tất cả những chuyện về âm nhạc. Có nhiều bản thánh ca tiếng Anh nổi tiếng cũng là tác phẩm của Sanky. Hai vị đầy tớ này của Chúa Trời tổ chức một buổi họp ở nước Anh. Nhiều người tin vào Chúa Giê-su trong khoảng thời gian đó, và họ muốn được huấn luyện để phụng sự Chúa Trời. Bởi vậy mà học viện Kinh Thánh được thành lập.

Hiệu trưởng của học viện đó là Andrew McBeath, một nhà học giả, nhưng quan trọng hơn nữa là một tôi tớ trung tín của Chúa Trời. Khi tôi nhìn lại cuộc đời của tôi, tôi thử đếm lại coi tôi từng gặp được bao nhiêu người tôi tớ chân thật của Chúa Trời, một người mà tôi nghĩ rằng xứng đáng được gọi là “người của Đức Chúa Trời”. “Người của Đức Chúa Trời” là một danh hiệu mà chúng ta không nên lạm dụng. Rất ít người xứng đáng được gọi bằng danh hiệu này. Tôi nghĩ rằng không có một danh hiệu nào khác trong Kinh Thánh cao hơn danh hiệu “người của Đức Chúa Trời”. Những người như vậy thì rất hiếm có. Trong suốt cuộc đời của tôi, tôi có thể đếm trên đầu ngón tay tôi từng gặp bao nhiêu người của Đức Chúa Trời.

Tôi sẽ kể ông Andrew McBeath là một trong những người đó. Khi quí vị gặp mặt ông này và có dịp nhận biết ông sâu hơn, thì quí vị biết rằng quí vị đã gặp phải một “người của Đức Chúa Trời”. Đầu tiên sự khiêm nhường của ông này làm cho tôi ngạc nhiên lắm. Tôi đến học viện Kinh Thánh trễ một tháng bởi vì tôi không xin được thị thực nhập cảnh. Tôi gặp phải nhiều sự khó khăn liên quan đến thị thực, sau cùng tôi đến Glasgow sau khi học viện đã khai trường được một tháng rồi. Và chính ông McBeath đến đón tiếp tôi. Tại sao ông hiệu trưởng lại phải đón tiếp một học sinh mới. Ông có thể sai một người nào đó đến đón tiếp tôi, bởi vì có nhiều người học sinh ở đó, nhưng ông đích thân đến đón tiếp tôi. Chẳng những thế, mà ông còn dắt tôi đến chỗ ở của ông nữa. Chỗ ở của ông là ở trong cùng một tầng nhà của học viện. Ông dắt tôi đến chỗ ở của ông và giới thiệu gia đình của ông cho tôi biết. Tôi chưa từng thấy một hiệu trưởng lại chịu giới thiệu một người học sinh cho gia đình của mình. Ông này giới thiệu tôi cho người vợ của ông, lúc đó bà hiệu trưởng đang nằm bịnh trên giường. Cho nên bà ngồi dậy trên giường để đón tiếp tôi. Đó là lần đầu tiên tôi kinh lịch sự tử tế và sự khiêm nhường của ông hiệu trưởng.

Một hôm khi tôi đang đi trên hành lang, bất thình lình ông McBeath xuất hiện. Ông kêu tôi: “Lại đây!” Tôi ngẫm nghĩ trong lòng : “Cái gì vậy?” Ông này gọi tôi đi qua một bên, rồi trao cho tôi một bao thư. Tôi nhìn vào bao thư và hỏi ông: “Cái gì đây?” Ông nói: “Chúa Trời đã chỉ thị cho tôi và tôi muốn cho con tiền hiến dâng thập phân (một phần mười) của tôi. Đây là tiền hiến dâng thập phân của tôi.” Tôi rất xúc động. Có bao nhiêu học sinh ở học viện Kinh Thánh này, và đây là chính ông hiệu trưởng trao cho tôi tiền hiến dâng thập phân của ông. Tôi xúc động quá nói không ra tiếng. Điều này cho quí vị thấy cái phẩm chất của cuộc đời của ông. Lúc đó tôi chỉ là một học sinh năm thứ nhất.

Cả cuộc đời của ông này đều tỏa ra vinh diệu của Chúa Trời, thật là đẹp đẻ. Điều mà tôi thâu nhận được từ học viện Kinh Thánh thì không những chỉ là học thức, mà quan trọng hơn hết là cái ấn tượng của một người của Đức Chúa Trời là như thế nào. Không có gì quí báu hơn là không những tôi được gặp một người như vậy, mà còn được trở thành bạn bè cuả một người như vậy.

Nhiều năm sau, khi ông này đã khá già rồi, một hôm từ Liverpool tôi điện thoại ông, lúc đó tôi đang phụng sự tại một Hội Thánh ở Liverpool. Tôi hỏi ông về điều thụ chức trong Kinh Thánh, đó là điều tôi đang học tập. Tôi không muốn được thụ chức, tôi không muốn bị xưng là một vị mục sư gì đó. Tôi không muốn mang một danh hiệu gì cả. Thực ra tôi phụng sự Chúa Trời ở Hội Thánh Liverpool không lấy tiền lương gì cả. Trong 5 năm trời tôi không nhận tiền lương gì hết, tôi không muốn nhận. Đó thì làm cho cuộc sống khó khăn lắm, nhưng tôi muốn chứng tỏ cho Hội Thánh thấy rằng tôi truyền giảng Tin Lành không vì tiền bạc. Tôi không muốn nhận lấy một xu về công việc phụng sự của tôi. Thực ra tôi không hề nói về điều này. Mãi cho đến khi tôi rời Liverpool sau 5 năm, lúc đó người ta mới biết rằng suốt cả 5 năm trời, tôi chưa hề nhận tiền lương. Và họ kinh ngạc lắm, họ hỏi rằng: “Tất cả tiền hiến dâng của chúng ta thì đi đâu rồi?” Tôi nói: “Số tiền đó thì dùng trong công việc của Chúa. Số tiền đó không đi về tôi, những vẫn có thể dùng trong các công việc khác.” Và họ nói: “Tại sao ông không hề nói ra?” Tôi nói: “Tôi nói từ ban đầu, nhưng hồi đó các anh còn chưa gia nhập Hội Thánh.” Hội Thánh đã trưởng thành từ một nhóm rất ít người thành ra một Hội Thánh khá đông người, và phần nhiều những người này không biết chút gì về việc này cả.

Nhưng lúc đó tôi muốn tìm hiểu về sự thụ chức, đó là điều tôi đã đọc nhiều lần trong Kinh Thánh. Cho nên một hôm tôi điện thoại ông McBeath và nói rằng: “Mục sư McBeath, thầy nghĩ sao về sự thụ chức?” Ông nói: “Ồ, đó là rất quan trọng.” Tôi nói: “Như vậy, xin thầy giảng dạy cho con hiểu!” Ông nói: “Tôi sẽ đến Liverpool.” Tôi nói: “Có phải lời giải thích đó rất dài mà thầy phải đến tận Liverpool để giảng dạy cho con sao?”

Quí vị để ý coi một người của Đức Chúa Trời. Ông này từ Ê-cốt đến tận Liverpool, khoảng đường thì xa lắm. Tôi tưởng rằng ông sẽ đến Liverpool để giải thích cho tôi về sự thụ chức. Lúc đó thì sắp đến Lễ Phục Sinh rồi. Khi ông đến Liverpool, tôi nói: “Con không hiểu tại sao thầy phải đến tận Liverpool để giải nghĩa cho con về sự thụ chức.” Ông nói: “Tôi đến đây không phải để giải thích cho con về sự này, mà để làm thụ chức cho con.” Tôi không biết nói gì mới phải, tôi chỉ nói: “Cái gì?” Ông nói: “Khi con biết một việc gì là hợp với dạy dỗ của Kinh Thánh thì con nên làm đi, con không nên chỉ nói thôi, con làm liền.”

Điều kinh ngạc nhất là ông đến Liverpool trong tuần lễ Phục Sinh, và ba ngày sau vào ngày Chúa Nhật là Lễ Phục Sinh, thì tôi được thụ chức làm mục sư. Cả Hội Thánh còn chưa biết việc này vào Chúa Nhật tuần trước, bởi vì chính tôi cũng không biết rằng tôi sẽ được thụ chức.

Điểm này cho ta thấy bí mật của một người của Đức Chúa Trời. Ông này không những chỉ nói thôi, mà ông làm liền. Khi một việc là hợp với dạy dỗ của Kinh Thánh, và cho dù quí vị không hiểu rõ về việc đó, quí vị cứ làm trước đã. Ông chưa hề giải thích sự thụ chức cho tôi. Ông chỉ đến làm thụ chức cho tôi. Khi nhìn lại, tôi cảm thấy thật là một đặc ơn cho tôi mà tôi được thụ chức bởi một người đầy tớ rất xuất sắc của Chúa Trời, một người có phẩm chất rất đặc biệt. Tôi nhận thấy rằng đó thì thật là một sự kế nghiệp của các sứ đồ qua những người của Đức Chúa Trời.

Tôi dùng nhiều thì giờ để nói về điểm này bởi vì tôi muốn chứng tỏ rằng ngày nay chỉ còn rất ít người của Đức Chúa Trời. Và Chúa Trời qua trí tuệ và lòng nhân từ của Ngài, Ngài đã cho tôi đặc ơn được gặp một vài người của Đức Chúa Trời.

Ông Andrew McBeath đã viết một vài cuốn sách. Trước khi tôi rời Glasgow, tôi đến văn phòng của ông trong học viện để chào tạm biệt ông. Ông thì lúc nào cũng rất nhân từ và hòa nhã, ông chào tôi tạm biệt và nói rằng: “Sách của tôi vừa mới xuất bản, và tôi muốn cho con một cuốn.” Rồi ông ký tên trên cuốn sách đó và trao cho tôi. Sách đó thì rất quan trọng, đó là cuốn sách nói về Gióp. Hồi đó tôi vẫn còn trẻ, chưa trưởng thành, tôi không nhận thấy sự quan trọng của sách này. Mãi về sau tôi mới hiểu được lý do tại sao ông viết cuốn sách dẫn giải về Gióp, bởi vì ông từng chịu đau khổ lâu dài vì cớ của Chúa. Nhưng ông không hề nói về sự đau khổ của mình. Mãi về sau tôi nghe từ chỗ này chỗ nọ mới hiểu được ông đã chịu khổ bao nhiêu. Nếu quí vị chưa từng trải đau khổ thì không trở thành một người của Đức Chúa Trời được. Sách dẫn giải về Gióp của ông này thì có giá trị lắm, bởi vì phần đông những sách dẫn giải là viết bởi những nhà học giả ngồi trong ghế bành, nhưng ông Andrew McBeath là một nhà học giả và đồng thời cũng một người có nhiều kinh lịch. Ông từng kinh lịch rất nhiều vì cớ của Chúa Trời khi ông đi khắp nhiều nơi trên thế giới để truyền giảng Tin Lành của Ngài.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church