You are here

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (2)

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (2)

Cùng Sống Với Chúa

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Sự Chết Của Chúa Chiến Thắng Chết Chóc – Sự Phục Sinh Của Chúa Đem Lại Hy Vọng Cho Loài Người

Nhiều người nghĩ rằng Lễ Phục Sinh chỉ là một ngày lễ của Đạo Tin Lành và Công Giáo, tương tự như một ngày lễ nào đó của Đạo Phật hay Đạo Hồi hay Đạo Bà-la-môn vậy. Hỡi các bạn ơi! Lễ Phục Sinh là kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-su, mà sự phục sinh của Chúa đã thay đổi số phận của toàn thể loài người từ ngày xưa đến hiện giờ và cho đến tương lai.

Chết chóc là số phận chung của loài người, không ai có thể thoát khỏi số phận này, ai cũng phải chết, cho dù người giàu nhất thế giới, hoặc là người có quyền lực cao nhất trên thế giới cũng phải chết. Tiền bạc quyền lực không mua được sự sống. Những người giàu sang có thể dùng tiền bạc để chữa trị bịnh nọ tật kia, nhưng sau cùng họ cũng phải chết đi. Chúng ta suốt đời gắng công làm việc để kiếm tiền tài đạt được địa vị thành công, nhưng rốt cuộc sự chết sẽ phá tan tất cả những gì ta kiếm được trong đời này, ấy là số phận chung của loài người.

Nhưng khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại thì tình hình thay đổi hẳn, Chúa đã chiến thắng sự chết. Chúa đem lại cho loài người niềm hy vọng thoát khỏi chết chóc và được hưởng sự sống đời đời (Xin đọc bài giảng “Tầm Quan Trọng Của Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-su” để biết rõ sự kiện phục sinh của Chúa Giê-su và tầm quan trọng của sự phục sinh).

Nếu chúng ta muốn được thoát khỏi số phận chết chóc và được hưởng sự sống đời đời thì chúng ta phải đi theo Chúa Giê-su. Sau khi Chúa chết đi trên cây thập tự, đến ngày thứ ba thì Chúa được sống lại, và Chúa sẽ không bao giờ chết nữa. Khi chúng ta đi theo Chúa thì cho dù thân thể của ta chết đi, nhưng chúng ta sẽ được sống lại, và từ đó trở đi chúng ta cũng không bao giờ chết nữa (Xin đọc bài giảng “Cùng Chết Với Chúa” để biết rõ ý nghĩa của “đi theo Chúa”).

Tín Đồ Cơ Đốc Sẽ Được Phục Sinh Khi Chúa Giê-su Trở Về Thế Gian

Khi nào chúng ta mới được sống lại? Trong tương lai khi Tin Lành truyền khắp thế gian thì Chúa Giê-su sẽ trở về. Lúc đó Chúa Giê-su từ trời giáng xuống, các thiên sứ của Chúa Trời Đức Gia-vê sẽ dùng tiếng kèn lớn để tụ tập những người thuộc về Chúa. Những người Tín Đồ đã chết đi rồi sẽ được sống lại, rồi những người Tín Đồ còn sống và những người Tín Đồ được sống lại sẽ được cất lên trời cùng một lượt. Họ sẽ gặp Chúa tại nơi không trung, rồi họ sẽ sống cùng với Chúa mãi mãi (Xin đọc bài giảng “Liên Hệ Giữa Sự Sống Đời Đời Hiện Bây Giờ Và Sự Sống Đời Đời Trong Tương Lai” để biết rõ các chi tiết).

1 Cô-rinh-tô 15:20 – 24 20 Nhưng bây giờ đấng Christ đã sống lại từ kẻ chết, là trái đầu mùa của những kẻ đã ngũ. 21 Vì bởi một người mà có sự chết thì cũng bởi một người mà có sự sống lại từ kẻ chết. 22 Vì trong A-đam tất cả đều chết, vậy trong đấng Christ tất cả đều sẽ được sống. 23 Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: đấng Christ là trái đầu mùa, rồi đến những người thuộc về đấng Christ khi Chúa đến. 24 Kế đến là tận thế, sau khi Chúa đã tiêu diệt mọi cai trị, mọi quyền hành và mọi thế lực, Chúa sẽ giao vương quốc cho Chúa Trời là Đức Cha.

Đoạn Kinh Thánh trên dạy rằng bây giờ Chúa Giê-su Christ đã sống lại từ kẻ chết. Vì tổ tiên của nhân loại là A-đam phạm tội lỗi mà sự chết đến vào thế gian, nhưng nhờ sự công nghĩa toàn vẹn của Chúa Giê-su mà có sự phục sinh. Chúng ta đều từ A-đam mà ra, cho nên chúng ta đều ở trong A-đam, chúng ta đều phải chết, nhưng khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su Christ thì ta được ở trong đấng Christ; hết thảy những người ở trong đấng Christ đều được sống. Nhưng sự phục sinh phải theo thứ tự, đấng Christ là người đầu tiên được sống lại, rồi khi Chúa trở về thế gian sẽ đến phiên những người thuộc về Chúa. Sau đó là tận thế, Chúa Giê-su Christ sẽ tiêu diệt mọi cai trị, mọi quyền hành và mọi thế lực, tất cả các nước trên thế giới đều phục dưới quyền cai trị của Chúa. Chúa Giê-su sẽ thiết lập một vương quốc, rồi Chúa sẽ giao vương quốc này cho Chúa Trời Gia-vê là Đức Cha.

Chúa Giê-su dạy rằng khi Tin Lành truyền khắp thế gian thì sự cuối cùng sẽ đến.

Ma-thi-ơ 24:14 14 Tin Lành về vương quốc Chúa Trời sẽ được truyền giảng khắp thế giới để làm chứng cho muôn dân, rồi bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.

Hai ngàn năm về trước khi Chúa Giê-su phục sinh, rồi thăng lên trời, lúc đó chỉ có khoảng 120 người Tín Đồ vẫn giữ trung tín với Chúa thôi, và việc truyền giảng Tin Lành khắp thế gian hình như là một chuyện không bao giờ đạt được. Nhưng trong hai ngàn năm qua, bao nhiêu đầy tớ trung tín của Chúa Trời hiến dâng cuộc sống của mình để truyền giảng Tin Lành đến bốn phương, đến thế kỷ 21 ngày này chúng ta được trang bị bằng những kỹ thuật tân tiến, Tin Lành được rao truyền rất nhanh và có thể truyền đến những nơi hẻo lánh xa xôi, cho nên Tin Lành sẽ được truyền khắp thế gian trong một ngày rất gần. Chúa Giê-su sắp trở về rồi.

Chúng Ta Có Thể Kinh Lịch Sự Phục Sinh Thuộc Linh Hiện Bây Giờ

Hơn nữa những người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính có thể kinh lịch được sự phục sinh thuộc linh hiện bây giờ. Vậy có nghĩa là họ đã chết đi trong tâm linh rồi lại phục sinh trong tâm linh, tại vì nếu không có chết đi thì đâu có sống lại, phải không? Những người Tín Đồ chân chính của Chúa Giê-su đã cùng chết với Chúa trong tâm linh qua phép báp-tem. Tại vì Chúa đã chết về tội lỗi, cho nên khi họ cùng chết với Chúa thì họ cũng chết về tội lỗi, họ đã cắt đứt hoàn toàn với cuộc sống tội lỗi. Qua phép báp-tem, họ cùng chết với Chúa, cùng chôn với Chúa, rồi cũng được cùng sống lại với Chúa trong tâm linh. Cuộc sống mới của người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính là cuộc sống trong Chúa Giê-su. Tại vì hiện bây giờ họ đã kinh lịch sự phục sinh thuộc linh, cho nên họ biết rằng sự phục sinh của thân thể trong tương lai cũng là chân thật vậy.

Nếu bạn chưa từng kinh lịch sự phục sinh trong tâm linh, thì bạn chắc không hiểu tôi đang nói cái gì. Ấy là tương tự như một người chưa hề ăn quả dứa bao giờ thì không biết mùi vị của quả dứa là ra sao. Không chừng người ấy từng nghe người khác nói rằng quả dứa thì rất thơm ngon, nhưng mùi vị của quả dứa là sao thì người không biết. Trừ phi người ấy ăn một miếng dứa thì người hiểu liền. Tương tự như vậy, trừ phi bạn đã chết về tội lỗi, bằng không bạn không bao giờ hiểu được chết về tội lỗi là sao. Bạn sẽ không bao giờ hiểu được sự phục sinh thuộc linh và cuộc sống mới trong Chúa là như thế nào trừ phi bạn đã được sống lại trong tâm linh.

Khi bạn thật sự chết về tội lỗi thì bạn không còn bị tội lỗi ràng buộc nữa. Mỗi lần bạn thắng được lực lượng của tội lỗi thì bạn sẽ thấy một niềm ngọt bùi trong lòng, ấy là ngọt bùi của tự do trong tâm linh. Chính là niềm ngọt bùi này thu hút tôi tiếp tục đi trên con đường của Chúa Trời và vâng phục lời dạy của Ngài.

Khi bạn đã phục sinh trong tâm linh, thì toàn bộ ý tưởng phương hướng và việc làm của bạn đều thay đổi hẳn, bởi vậy bạn sẽ trở thành một con người mới. Một cuộc sống như vậy là tự do và tràn đầy ý nghĩa. Một khi bạn kinh lịch cuộc sống mới ở trong Chúa, bạn sẽ thấy cuộc sống mới này là quý giá hơn hết thảy tiền tài địa vị danh vọng của đời này.

Chúng Ta Sống Cho Chúa Giê-su Christ

Nói tóm lại, nhờ sự chết của Chúa Giê-su mà chúng ta mới có thể thoát khỏi chết chóc, nhờ sự phục sinh của Chúa mà chúng ta mới được hưởng một cuộc sống mới tự do hiện bây giờ và sự sống đời đời ở vương quốc Chúa Trời trong tương lai. Trong cuộc sống mới này, chúng ta phải sống như thế nào?

Chúng ta không phải cứ ngồi đó hưởng thụ tình thương yêu của Chúa Trời Gia-vê, chúng ta cũng không phải chỉ ngợi khen ca tụng Ngài. Ngợi khen ca tụng Chúa Trời là rất tốt, nhưng chưa đủ.

2 Cô-rinh-tô 5:14 – 15 14 Vì tình yêu thương của đấng Christ thúc đẩy chúng tôi, và chúng tôi nghĩ rằng một người đã chết vì mọi người, cho nên mọi người đều chết. 15 và Chúa đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho đấng đã chết và sống lại vì mình.

Ấy là tình yêu thương của Chúa Giê-su Christ thúc đẩy chúng ta, Chúa đã chịu chết vì chúng ta, hầu cho những kẻ còn sống không còn sống cho chính mình nữa.

Trong 2 Cô-rinh-tô 5:15, nguyên văn Hy-lạp của 2 chữ “hầu cho” là “ἵνα” (đọc là hi-na). Theo văn phạm của chữ Hy Lạp, một câu bắt đầu bằng “ ἵνα ” là chỉ về mục đích. Bởi vậy 2 Cô-rinh-tô 5:15 nói đến mục đích của sự chết của Chúa. Ý nghĩa của câu này rất quan trọng, Chúa chịu chết vì mọi người với mục đích là khiến cho những kẻ còn sống không sống cho chính mình nữa. Ấy là mục đích của sự chết của Chúa. Bởi vậy người Tín Đồ của Chúa không nên sống cho chính mình nữa.

Các anh chị em Tín Đồ có từng nghĩ rằng chúng ta phải sống cho Chúa Giê-su không? Bạn đang sống cho Chúa hay là bạn đang sống cho riêng mình? Nếu bạn vẫn còn sống cho riêng mình thì cái mục đích mà Chúa muốn sẽ không thành tựu được trong đời của bạn. Tôi không phải nói rằng kế hoạch cứu chuộc loài người đã thất bại hay là mục đích mà Chúa muốn hoàn toàn không thành tựu được, ý của tôi không phải là như vậy! Sự chết và sự phục sinh của Chúa đã thay đổi số phận của loài người, mục đích mà Chúa muốn chắc sẽ thành tựu, nhưng bạn sẽ không có phần trong kế hoạch đó nếu bạn vẫn sống cho riêng mình mà không sống cho Chúa.

Sống cho Chúa Giê-su là sao và sống cho chính mình là sao? Khi ta sống cho chính mình có nghĩa là ta sống cho lợi ích của mình, ta lo cho thích thú của mình. Có người sẽ nói rằng: “Tôi đâu phải chỉ lo cho lợi ích của mình thôi, tôi cũng lo cho lợi ích của ba má, anh chị em, bà con thân thuộc và những người bạn bè của tôi chứ!” Vâng, bạn lo cho lợi ích của ba má, anh chị em, bà con thân thuộc và bạn bè, ấy là tại vì họ yêu mến bạn, và bạn cũng yêu mến họ. Cho nên khi bạn lo cho lợi ích của những kẻ ấy thì thật ra cũng là lo cho lợi ích của mình thôi, bởi vì bạn yêu mến họ, khi họ được lợi ích thì bạn cũng vui mừng chứ.

Nhưng bạn có lo cho lợi ích của những kẻ bạn không quen biết hoặc là những kẻ bạn không ưa thích không? Giả tỷ nếu bạn phải lo cho lợi ích của những kẻ bạn không quen biết thì lợi ích của bạn sẽ chịu ảnh hưởng, xin hỏi trong trường hợp này bạn có muốn lo cho lợi ích của họ không?

Không chừng có người nói rằng: “Kinh Thánh dạy rằng ta sống cho Chúa, đâu phải sống cho những kẻ ấy?” Vâng, ta sống cho Chúa, nhưng Chúa yêu thương hết thảy mọi người trên thế gian, Chúa hài lòng nhất khi người đời được cứu vớt ra khỏi tội lỗi. Nếu ta thật sự sống cho Chúa thì ta phải làm những việc Chúa làm. Chúa lo cho sự cứu vớt của người đời thì ta cũng lo cho sự cứu vớt của người đời. Chúa yêu thương mỗi một người trên thế gian, thì ta cũng yêu thương mỗi một người trên thế gian.

Khi Chúa Giê-su yêu thương người đời thì Chúa vui lòng hy sinh chính mình để cứu vớt họ, tình yêu thương của Chúa không phải chỉ là nói bằng mồm thôi. Cho nên khi ta yêu thương người đời thì chúng ta cũng phải hiến dâng cuộc sống của mình để cứu vớt họ.

Phi-líp 2:4 – 5 4 Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi ích của riêng mình, nhưng phải chăm về lợi ích của kẻ khác. 5 Hãy có cùng một tâm tình như đấng Christ đã có,

Đoạn Kinh Thánh này tóm tắt lại những điều tôi vừa nói ở trên. Hai chữ “lợi ích” ở đây là lợi ích của cuộc sống thuộc linh, chứ không phải là tiền bạc. Chúng ta không chăm về lợi ích của riêng mình, nhưng ta chăm về lợi ích của kẻ khác. Ấy chính là tâm tình của Chúa Giê-su Christ, chúng ta phải có cùng một tâm tình như Chúa vậy. Sau khi ta được cứu vớt rồi, thì ta phải đi cứu vớt người khác.

Chúng Ta Hoàn Toàn Vâng Phục Ý Muốn Của Chúa Trời Gia-vê

Ma-thi-ơ 26:39 39 Rồi Chúa bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con, nhưng không theo ý muốn con mà theo ý muốn Cha.”

Phần đông Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều quen thuộc lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su. Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa cầu nguyện xin Đức Cha cho mình thoát khỏi khốn khổ, nhưng ngay lập tức Chúa nói rằng không phải theo ý muốn của con, mà theo ý muốn của Cha. Ý muốn của Chúa Giê-su khác với ý muốn của Đức Cha, nhưng Chúa sẵn sàng từ bỏ ý muốn của mình để vâng theo ý muốn của Đức Cha.

Khi chúng ta sống cho Chúa Giê-su thì chúng ta phải có cùng một tâm tình như Chúa, chúng ta nên noi gương Chúa. Chúa hoàn toàn vâng phục ý muốn của Đức Cha, chúng ta cũng hoàn toàn vâng phục ý muốn của Đức Cha. Khi ý muốn của Cha khác với ý muốn của ta, ta vui lòng từ bỏ ý muốn của mình mà vâng phục ý muốn của Ngài.

Trước kia chồng tôi và tôi cùng rao truyền Tin Lành ở các nước Á Châu và phụng sự trong hội thánh, cho dù công việc rất nặng nhọc nhưng chúng tôi yêu thích công việc đó. Rồi bất thình lình Chúa Trời kêu gọi chúng tôi đi rao truyền Tin Lành qua đài phát thanh. Chúng tôi rất yêu thích công việc ở hội thánh, nhưng chúng tôi vui lòng vâng phục ý muốn của Chúa Trời mà đi phụng sự ở đài phát thanh. Sau bảy năm rưởi phụng sự ở đài phát thanh, Chúa Trời lại kêu gọi chúng tôi đi rao truyền Tin Lành qua trang web, chồng tôi trông nom trang web chữ Anh, tôi trông nom trang web chữ Việt. Một lần nữa chúng tôi hoàn toàn vâng phục ý muốn của Chúa Trời. Trong hai mươi mấy năm hầu việc Chúa Trời, khi gặp khó khăn trở ngại thì chúng tôi cầu xin Đức Cha giúp đỡ, chúng tôi không than phiền, chúng tôi để hết tâm trí sức lực mà chăm lo công việc Ngài giao cho. Rốt cuộc Đức Cha ban phước cho công việc phụng sự của chúng tôi.

Chúng Ta Tôn Vinh Danh Của Chúa Trời Gia-vê

Giăng 12:28 28 “Cha ơi, xin tôn vinh danh Cha!” Rồi có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh rồi, lại còn tôn vinh nữa!”

Giăng 17:11 Chúa Giê-su nói những điều đó xong, thì ngước mắt lên trời cầu nguyện: “Thưa Cha, giờ đã đến, xin tôn vinh Con của Cha hầu cho Con cũng tôn vinh Cha,”

Chúa Giê-su rất quan tâm đến việc tôn vinh Danh của Cha. Ở phần trên ta đã thấy rằng khi ta sống cho Chúa Giê-su thì ta phải có cùng một tâm tình như Chúa. Chúa Giê-su luôn luôn nghĩ đến tôn vinh Danh của Cha, thì ta cũng phải luôn luôn tôn vinh Danh của Cha. Mà ta phải làm gì để tôn vinh Danh của Chúa Trời?

1 Phi-e-rơ 2:12 12 phải ăn ở ngay lành giữa những dân ngoại, họ là những kẻ nói xấu anh em như là người gian ác, họ sẽ thấy các việc lành của anh em mà tôn vinh Chúa Trời trong ngày Ngài thăm viếng.

Ma-thi-ơ 5:16 16 Hãy để sự sáng các ngươi soi trước mặt người ta như vậy, hầu cho họ thấy những việc lành của các ngươi và tôn vinh Cha các ngươi ở trên trời.

Hai chữ “dân ngoại” là chỉ những người không tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su. Những dân ngoại này nói xấu chúng ta như là người gian ác, nhưng chúng ta không thù oán họ. Chúng ta phải làm các việc lành trước mặt người đời, hầu cho họ thấy các việc lành của ta mà tôn vinh Đức Cha của ta ở trên trời.

Có người sẽ nói rằng: “Vậy chỉ là làm việc lành thôi, tôi cũng thường làm việc lành chứ, vậy tôi đã làm tôn vinh Chúa Trời rất nhiều rồi!” Hỡi các bạn ơi, hai chữ “việc lành” ở đây không phải chỉ là đối đãi tử tế với người ta, không phải chỉ là giúp đỡ người này người kia một chút chút. Những việc này cũng tốt lắm, nhưng chỉ là “việc lành” theo tiêu chuẩn của loài người thôi. “Việc lành” trong Kinh Thánh là những việc được Chúa Trời coi là tốt lành (Xin đọc bài giảng “Tại Sao Chỉ Làm Điều Lành Vẫn Không Được Hưởng Sự Sống Đời Đời?”).

Những việc làm theo đúng lời dạy của Chúa Trời, ấy mới là việc lành trong Kinh Thánh. Khi chúng ta hoàn toàn sống theo lời dạy của Chúa Trời Giê-vê thì những việc ta làm chắc tôn vinh Danh của Ngài.

Hơn nữa trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:16 Chúa Giê-su dạy rằng chúng ta phải để sự sáng của ta soi trước mặt người ta, rồi họ sẽ thấy việc lành của ta. Trong thời của Chúa Giê-su không có đèn điện, muốn có ánh sáng thì phải đốt đèn dầu. Cái bấc của đèn dầu bị lửa thiêu đốt mới có thể tỏa ra ánh sáng, ấy là hình ảnh của hiến dâng hy sinh. Nếu chúng ta muốn soi sáng trước mặt người đời để tôn vinh Danh của Đức Cha, chúng ta phải sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình cho công việc của Đức Cha.

Trước khi chồng tôi và tôi đi truyền giảng Tin Lành, chúng tôi đều làm việc ở Canada. Tôi làm trong một công ty bảo hiểm, tôi làm việc rất chăm chỉ siêng năng, bởi vì tôi luôn luôn nhớ rằng tôi là Tín Đồ Cơ Đốc, tôi phải tôn vinh Chúa Trời Gia-vê là Đức Cha của tôi, tôi không để cho người đời chê rằng Tín Đồ Cơ Đốc là lười biếng. Tôi cố gắng làm việc không phải để được thăng chức hay tăng lương. Tôi yêu thương những người bạn đồng nghiệp không phải chỉ là bằng mồm thôi, tôi giúp đỡ yên ủi họ, tôi không ganh tỵ với họ. Khi họ gặp chuyện buồn thì tôi yên ủi họ, khi họ gặp những việc khó khăn thì tôi giúp họ tìm ra giải pháp. Tôi cầu xin Chúa Trời giúp tôi sống theo lời dạy của Ngài để người đời nhìn thấy vinh diệu của Ngài mà tôn vinh Ngài.

Kết Luận

Nhờ sự phục sinh của Chúa Giê-su, chúng ta mới có hy vọng về sự sống đời đời. Tại vì Chúa Giê-su đã chịu chết và sống lại vì chúng ta, cho nên chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, chúng ta sống cho Chúa:

  • Đầu tiên chúng ta phải có cùng một tâm tình như Chúa Giê-su, có nghĩa là ta không chăm về lợi ích của mình, ta chăm về lợi ích của kẻ khác.
  • Thứ hai chúng ta hoàn toàn vâng phục ý muốn của Đức Cha là Chúa Trời Gia-vê. Khi ý muốn của Cha khác với ý muốn của ta, ta vui lòng từ bỏ ý muốn của mình mà vâng phục ý muốn của Cha.
  • Thứ ba ta phải làm những việc lành để tôn vinh Danh của Cha trước mặt người đời.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church