You are here

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (5)

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (5)

Đấng Christ Sống Trong Tôi – Tôi Sống Trong Đức Tin Của Con Chúa Trời

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

“Đấng Christ Sống Trong Tôi” Có Nghĩa Là Gì?

Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta thường nói rằng: “Đấng Christ sống trong tôi.” Nhưng chúng ta có hề ngẫm nghĩ rằng “Đấng Christ sống trong tôi” có nghĩa là gì?

Có người nói rằng: “Đó là quá hiển nhiên rồi, đấng Christ sống ở trong lòng tôi, tôi yêu mến Chúa, tôi thường nghĩ đến ân điển và tình thương của Chúa. Này cũng tương tự như trường hợp những người thân trong gia đình qua đời rồi, mà chúng ta thường nghĩ đến họ, họ vẫn sống ở trong lòng ta vậy.”

Hỡi các chị em Tín Đồ, câu nói “đấng Christ sống trong tôi” là trích từ một câu Kinh Thánh viết bởi sứ đồ Phao-lô. Mà ý nghĩa của câu Kinh Thánh này là sâu sa uyên thâm lắm, chứ không phải đơn giản đâu.

Ga-la-ti 2:20 20 Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng đấng Christ sống trong tôi; nay tôi sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Chúa Trời, là đấng đã yêu tôi, và đã hy sinh chính mình vì tôi.

Sứ đồ Phao-lô nói rằng tâm linh người đã đóng đinh vào thập tự giá với đấng Christ rồi, hiện giờ người sống, nhưng không phải là người sống nữa, mà đấng Christ sống trong người.

Nhưng đấng Christ sống trong người có nghĩa là gì? Ngay lập tức sứ đồ Phao-lô giải thích rằng: “ấy là tôi sống trong đức tin của Con Chúa Trời.”

“Đấng Christ sống trong tôi” có nghĩa là “tôi sống trong đức tin của Con Chúa Trời”.

Xin các bạn để ý, chỉ có bản dịch cũ của Việt Ngữ Kinh Thánh (năm 1934) phiên dịch câu này một cách chính xác căn cứ theo nguyên văn Hy Lạp. Còn trong hai bản dịch mới của Việt Ngữ Kinh Thánh đã phiên dịch câu này một cách sai lầm:

  • “…Hiện nay, tôi sống trong thân xác, tức là sống trong đức tin nơi Con Đức Chúa Trời…”
  • “…Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa…”.

Hai bản phiên dịch mới này là sai lầm, tại vì “sống trong đức tin nơi Con Đức Chúa Trời” hoặc “tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa” đều là nói về đức tin (hay niềm tin) của chúng ta vào đấng Christ. Nhưng sứ đồ Phao-lô nói rằng: “tôi sống trong đức tin của Con Chúa Trời”, đó là đức tin của Con Chúa Trời Chúa Giê-su Christ, chứ không phải là đức tin của chúng ta. “Đức tin của Con Chúa Trời” thì chắc là khác biệt với “đức tin của chúng ta vào đấng Christ”.

Làm Sao mà Chúng Ta Có Thể Sống Trong Đức Tin Của Con Chúa Trời?

Cho dù chúng ta hiểu rằng “đấng Christ sống trong tôi” có nghĩa là “tôi sống trong đức tin của con Chúa Trời”, nhưng bằng cách nào mà chúng ta thực hành điều này? Làm sao mà chúng ta có thể sống trong đức tin của Con Chúa Trời?

Ga-la-ti 5:25 25 Nếu chúng ta sống trong Thánh Linh, thì cũng hãy bước đi trong Thánh Linh vậy.

Đoạn Kinh Thánh Ga-la-ti 5:25 chỉ ra rằng “sống trong Thánh Linh” là tương đương với “bước đi trong Thánh Linh”.

Cô-lô-se 3:7 7 và trước kia anh em cũng bước đi trong những nết xấu đó khi anh em sống trong đó.

Đoạn Kinh Thánh Cô-lô-se 3:7 cũng chỉ ra rằng “bước đi trong những nết xấu đó” là tương đương với “sống trong đó”.

Chúng ta tổng hợp ý nghĩa của 2 đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng “sống trong ….” là tương đương với “bước đi trong ….”

Bởi vậy “sống trong đức tin của Con Chúa Trời” là tương đương với “bước đi trong đức tin của Con Chúa Trời”.

Rô-ma 4:12 12 và cũng làm cha những người chịu cắt bì, tức là những người không những chỉ chịu cắt bì thôi lại cũng bước theo dấu chân đức tin của tổ phụ chúng ta Áp-ra-ham khi người còn chưa chịu cắt bì vậy.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng chúng ta nên bước theo dấu chân đức tin của Áp-ra-ham.

Mà “bước đi trong đức tin của Con Chúa Trời” chính là bước theo dấu chân đức tin của Con Chúa Trời, hay nói một cách khác, chúng ta noi theo đức tin của Chúa Giê-su.

Đức tin của một người thường được bày tỏ qua hành vi và lời nói của người ấy. Khi chúng ta quan sát hành vi và lời nói của người ấy thì ta có thể thấy rõ đức tin của người.

Chúng ta noi theo đức tin của Chúa Giê-su Christ có nghĩa là noi theo hành vi và lời nói của Chúa.

Đức Tin trong Cựu Ước của Kinh Thánh

Đầu tiên chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của đức tin trong Cựu Ước. Khi sứ đồ Phao-lô và các sứ đồ khác viết các thư từ và các quyển sách trong Tân Ước, lúc đó còn chưa có bộ Tân Ước (Xin đọc bái giảng “Chúa Trời Đức Gia-vê Sáng Tạo Trời Đất, Muôn Vật Và Loài Người” để hiểu rõ lời giải thích về điểm này). Khi các sứ đồ nói về đức tin, ấy là lời dạy về đức tin trong Cựu Ước.

Có 3 chữ Hê-bơ-rơ cùng mang ý nghĩa “đức tin”, đó là:

  • אֱמֶת” (đọc là e-meth): đức tin được bày tỏ trong sự thành tín và sự chân thật.
  • אֵמוּן” (đọc là e-mun) : đức tin được bày tỏ trong sự thành tín.
  • אֱמוּנָה” (đọc là e-mu-nah): đức tin được bày tỏ trong sự bền chí, sự quả quyết và sự trung thành.

Ý nghĩa của 3 chữ này chỉ ra rằng trong Cựu Ước, đức tin là tương đương với sự thành tín, sự chân thật, sự bền chí, sự quả quyết, sự trung thành. Trong Cựu Ước, tất cả các đức tình này đều là tương đương với nhau.

Bây giờ chúng ta tra khảo những đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước giảng dạy về ý nghĩa của 3 chữ trên, và chính những đoạn Kinh Thánh này lại được trích dẫn trong Tân Ước để mô tả cuộc sống của Chúa Giê-su hoặc trong lời dạy của Chúa.

1. Sự thành tín của Chúa Giê-su được bày tỏ qua lòng nhân từ thương xót của Chúa

Ê-sai 42:1 – 3 1 Nầy, tôi tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ; là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà tâm hồn của ta vui thích. Ta đã đặt linh của ta trên người, người sẽ đem sự công bằng cho các dân tộc. 2 Người sẽ chẳng kêu la, chẳng lớn tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình. 3 Người sẽ không bẻ cây sậy đã giập, và không dập tắt tim đèn gần tàn. Người sẽ lấy thành tín mà đem đến sự công bằng.

Nguyên văn Hê-bơ-rơ của từ ngữ “thành tín” trong câu 3 chính là “אֱמֶת” (đọc là e-meth): đức tin được thể hiện trong sự thành tín và sự chân thật.

Đoạn Kinh Thánh Ê-sai 42:1 – 3 ở trên đã được trích dẫn trong Tân Ước để mô tả tính tình của Chúa Giê-su Christ:

Ma-thi-ơ 12:17 – 21 17 để ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: 18 “Nầy, tôi tớ ta đã chọn, là người mà ta yêu dấu, linh hồn ta vui thích. Ta sẽ cho linh ta ngự trên người, người sẽ rao giảng sự công bằng cho dân ngoại. 19 Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la, Và chẳng ai nghe tiếng người ngoài đường phố. 20 Người sẽ không bẻ cây sậy đã gãy, không dập tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến khi người đưa sự công bằng đến toàn thắng. 21 Và các dân ngoại sẽ trông cậy danh người.”

Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 12:17 – 21 mô tả nhân từ thương xót của Chúa Giê-su Christ đối với những kẻ chịu đau khổ và bị áp bức. Chúa sẽ đem sự công bằng cho họ.

2. Một người chân thật là người kính sợ Chúa Trời

Xuất Ê-díp-tô Ký 18:21 21 Nhưng hãy lựa chọn trong dân chúng những người có khả năng, kính sợ Chúa Trời, chân thật, ghét lợi bất chính, mà lập họ lên làm lãnh đạo ngàn người, hoặc trăm người, hoặc năm mươi người, hoặc mười người,

Nguyên văn Hê-bơ-rơ của từ ngữ “chân thật” là “אֱמֶת” (đọc là e-meth): đức tin được thể hiện trong sự thành tín và sự chân thật.

Đoạn Kinh Thánh Xuất Ê-díp-tô Ký 18:21 chỉ ra rằng sự kính sợ Chúa Trời là liên quan đến sự chân thật.

Sáng Thế Ký 22:12 12 Thiên sứ nói rằng: “Ðừng giơ tay vào con trẻ và đừng làm gì nó; bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Chúa Trời, vì ngươi không tiếc con ngươi với ta, con một của ngươi.”

Đoạn Kinh Thánh Sáng Thế Ký 22:12 là nói về sự thử thách đức tín của Áp-ra-ham. Khi Áp-ra-ham vui lòng hiến dâng Y-sác, con một của người, thì cuộc thử thách kết thúc tại vì hành động của người chứng tỏ rằng người kính sợ Chúa Trời. Đức tin của Áp-ra-ham là dính liền với sự kính sợ Chúa Trời.

Chính Chúa Giê-su cũng dạy bảo chúng ta phải kính sợ Chúa Trời:

Ma-thi-ơ 10:28 28 Ðừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Ðấng có thể hủy diệt cả linh hồn và thân thể trong địa ngục.

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta đừng sợ loài người, vì loài người chỉ có thể giết thân thể nhưng không giết được linh hồn của ta, mà chúng ta nên sợ Đấng có thể hủy diệt cả linh hồn và thân thể của ta trong địa ngục. Chỉ có Chúa Trời mới có thể hủy diệt cả linh hồn và thân thể của ta.

Một người có đức tin chân thật là một người kính sợ Chúa Trời.

3. Sự thành tín của Chúa Giê-su được thể hiện qua sự khiêm nhường nhu mì của Chúa

Thi Thiên 31:23 23 Hãy yêu mên Gia-vê, hỡi các thánh của Ngài. Gia-vê gìn giữ những người thành tín, nhưng báo trả nặng nề kẻ hành động kiêu ngạo.

Nguyên văn Hê-bơ-rơ của từ ngữ “thành tín” là “אֵמוּן” (đọc là e-mun): đức tin được thể hiện trong sự thành tín.

Đoạn Kinh Thánh Thi Thiên 31:23 chỉ ra rằng một người thánh tín là trái ngược với kiêu ngạo. Chính Chúa Giê-su đã dạy bảo chúng ta phải noi theo sự khiêm nhường và nhu mì của Chúa:

Ma-thi-ơ 11:29 29 Hãy mang ách của ta và họ theo ta, vì ta là nhu mì và khiêm nhường, và linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

4. Một người thành tín thì không khoe mình, không tìm cầu sự vinh hiển của mình

Châm Ngôn 20:6 6 Nhiều người khoe khoang sự tốt lành của mình; Nhưng ai tìm được một người thành tín?

Nguyên văn Hê-bơ-rơ của từ ngữ “thành tín” là “אֵמוּן” (đọc là e-mun): đức tin được thể hiện trong sự thành tín.

Đoạn Kinh Thánh Châm Ngôn 20:6 chỉ ra rằng nhiều người khoe khoang sự tốt lành của mình, nhưng ai sẽ tìm được một người thành tín? Tại vì những người khoe khoang sự tốt lành của mình thì không phải là người thành tín. Vậy một người thành tín thì không khoe khoang sự tốt lành của mình. Chính Chúa Giê-su đã dạy bảo chúng ta không nên tìm cầu vinh hiển của mình:

Giăng 7:18 18 Kẻ nói theo ý mình thì tìm vinh hiển riêng mình; nhưng kẻ tìm vinh hiển của Ðấng đã sai mình đến mới là chân thật, và trong người không có điều gì không công nghĩa.

Một người thành tín thì không khoe mình, không tìm cầu sự vinh hiển của mình, người chỉ tìm cầu vinh hiển của Chúa Trời.

5. Sự chân thật được thể hiện qua sự vâng phục và ăn năn hối cải

Giê-rê-mi 7:28 28 Ngươi hãy nói với chúng nó rằng: “Nầy là một dân không vâng phục tiếng của Gia-vê Chúa Trời mình và không chấp nhận sửa sai; sự chân thật đã tiêu tan, đã dứt khỏi miệng chúng nó.”

Nguyên văn Hê-bơ-rơ của từ ngữ “chân thật” là “אֱמוּנָה” (đọc là e-mu-nah): đức tin được thể hiện trong sự bền chí, sự quả quyết và sự trung thành.

Đoạn Kinh Thánh Giê-rê-mi 7:28 nói rằng người dân không vâng phục tiếng của Chúa Trời và không chấp nhận sửa sai. Chấp nhận sửa sai thì dẫn đến ăn năn hối cải. Nếu một người không chấp nhận sửa sai thì người ấy chắc không chịu ăn năn hối cải. Chính vì sự phản nghịch Chúa Trời và không chịu ăn năn hối cải đưa đến hậu quả là sự chân thật tiêu tan. Vậy sự chân thật là liên quan đến vâng phục Chúa Trời và ăn năn hối cải.

Chúa Giê-su vâng phục Chúa Trời cho đến chết:

Ma-thi-ơ 26:39 39 Rồi Chúa bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con, nhưng không theo ý muốn con mà theo ý muốn Cha.”

Ma-thi-ơ 26:42 42 Chúa lại đi lần thứ hai và cầu nguyện rằng: “Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi được mà con phải uống thì xin ý Cha được nên.”

Và Chúa Giê-su thường nhấn mạnh về sự ăn năn hối cải, bài giảng đầu tiên của Chúa chính là ăn năn hối cải.

Ma-thi-ơ 4:17 17 Từ lúc ấy Chúa Giê-su khởi sự truyền giảng rằng: “Các ngươi hãy hối cải, vì vương quốc Thiên Đàng đã đến gần.”

Tôi Sống Trong Đức Tin Của Con Chúa Trời

Qua phép báp-tem chúng ta đã cùng chết với Chúa Giê-su, cùng chôn với Chúa và cùng phục sinh với Chúa. Khi chúng ta kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ, chúng ta hãy nói như sứ đồ Phao-lô đã nói vậy: Chúng ta sống, nhưng không phải là chúng ta nữa, mà đấng Christ sống trong ta, chúng ta sống trong đức tin của Con Chúa Trời, chúng ta noi theo đức tin của Cứu Chúa Giê-su Christ:

  • Chúng ta yêu mến thương xót những kẻ chịu đau khổ bị áp bức, và chúng ta đem sự công bằng cho họ.
  • Chúng ta noi theo sự khiêm nhường nhu mì của Chúa.
  • Chúng ta không khoe khoang chính mình, không tìm cầu sự vinh hiển của mình, mà chỉ tôn vinh Chúa Trời Đức Gia-vê.
  • Chúng ta kính sợ Chúa Trời.
  • Chúng ta vâng phục lời của Chúa Trời Đức Gia-vê và ăn năn hối cải

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church