You are here

Sự Sống Đời Đời (11)

Sự Sống Đời Đời (11)

Cửa Hẹp Và Đường Chật

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Ta Phải Vào Cửa Hẹp Và Đi Trên Đường Chật

Trong hai bài giảng trước tôi đã giải đáp hai thắc mắc rất quan trọng, ấy là: Những Tín Đồ Cơ Đốc vẫn sống trong tội lỗi có được hưởng sự sống đời đời không? Tại sao chỉ làm điều lành vẫn không được hưởng sự sống đời đời? Hôm nay chúng ta học tập về một khía cạnh khác. Sau khi ta trở thành Tín-Đồ Cơ Đốc rồi, ta bắt đầu cuộc sống mới cùng với Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su, ấy chính là sự sống đời đời trên thế gian này. Trong cuộc sống mới này có một điều ta cần phải để ý.

Ma-thi-ơ 7:13 – 14. 13 Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. 14 Nhưng cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.

Căn cứ theo câu nói này của Chúa Giê-su, hễ ai muốn được sự sống thì phải vào cửa hẹp và đi trên con đường chật, vì con đường chật dẫn đến sự sống, nhưng rất ít người kiếm được cái cửa hẹp và đường chật này. Phần đông người đời thì vào cửa rộng và đi trên đường khoảng khoát, nhưng con đường khoảng khoát chỉ dẫn đến sự hư mất thôi.

Tại sao chỉ có rất ít người kiếm được cái cửa hẹp và đường chật này? Cửa hẹp và đường chật là đại diện cho cái gì? Còn cửa rộng và đường khoảng khoát lại đại diện cho cái gì? Bây giờ chúng ta đi tìm giải đáp cho những thắc mắc này từng bước một.

Tại Sao Chỉ Có Rất Ít Người Kiếm Được Cái Cửa Hẹp Và Đường Chật Này?

Có phải là tại vì một số người thì may mắn hơn những người khác, cho nên họ có thể kiếm được cái cửa hẹp và đường chật, và họ được sự sống đời đời. Còn đa số người thì không may, họ kiếm không được cái cửa hẹp và đường chật, mà họ chỉ kiếm được cái cửa rộng và đường khoảng khoát thôi, rốt cuộc họ lành phải chịu số phận bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục, có phải như vậy không? Hoặc là cái cửa hẹp và đường chật này thì ở một nơi bí mật nào đó, khó mà kiếm được, mà Chúa Trời Gia-vê chỉ khải thị cho một số ít người biết thôi, những người được Ngài ưa thích thì Ngài cho họ biết, còn những người mà Ngài không thích, thì Ngài không cho họ biết, cho nên chỉ có rất ít người kiếm được cái cửa hẹp và đường chật này và được hưởng sự sống đời đời, có phải như vậy không?

Câu trả lời thì hẳn là không! Chúa Trời đầy dẫy lòng nhân từ thương xót, Ngài không muốn một người nào bị hư mất, Ngài muốn cho mọi người đều ăn năn hối cải để được hưởng ơn cứu chuộc. Chúa Trời không có thiên vị ai hết. Rất ít người kiếm được cái cửa hẹp và đường chật là lỗi tại loài người chúng ta, chứ không phải lỗi tại Chúa Trời.

Tôi sẽ giải thích bằng thí dụ này. Nhiều năm về trước chồng tôi và tôi cùng một số anh chị em Tín Đồ đi thăm nước Y-sơ-ra-ên. Thành phố Giê-ru-sa-lem gồm có hai khu vực khác nhau, một khu vực gọi là thành phố cũ, còn khu vực khác là thành phố mới. Thành phố mới thì được xây dựng chỉ trong vòng vài chục năm nay, đường phố rộng rãi, nhà cửa tối tân và sạch sẽ. Còn thành phố cũ thì gồm có những nhà cửa thật cổ xưa, xây dựng từ mấy trăm năm hoặc cả ngàn năm về trước, ấy là những cổ tích rất quan trọng. Những đường nẻo trong thành phố cũ thì rất chật hẹp. Chúng tôi mướn một chiếc xe tải, nhưng xe này chỉ vào được những đường phố rộng lớn, còn những hẻm nho nhỏ thì vào không được. Có những hẻm nhỏ chật đến nỗi chỉ một người đi qua được, hai người đi một lượt là qua không được rồi. Tôi rất sợ những hẻm nhỏ này, mỗi khi chúng tôi cần phải đi đến một chỗ nào đó, tôi thường bảo chồng tôi tránh khỏi những hẻm nhỏ này và kiếm một lối khác có đường rộng hơn, tốt nhất là kiếm được đường nào chúng tôi có thể lái xe vào, tôi có thể ngồi trên xe ngắm coi nhà cửa hai bên.

Các bạn thấy chưa? Đó là tâm lý của loài người, chúng ta thích đi trên đường phố rộng rãi, chúng ta không thích đi trên đường nẻo chật hẹp. Thông thường khi ta đi vào một căn nhà có một cánh cửa rộng thì ta thích lắm. Nhưng nếu căn nhà đó có một cánh cửa hơi chật hẹp một chút, thì ta cảm thấy nhà này kỳ cục quá. Đó là bản tánh tự nhiên của loài người, chúng ta không thích cửa hẹp và đường chật, ta thích cửa rộng và đường khoảng khoát, đó thì thoải mái hơn nhiều.

Chúa Giê-su nói chỉ có ít người kiếm được cái cửa hẹp và đường chật mà dẫn đến sự sống, đó là tại vì ta không thích cửa hẹp và đường chật, cho nên ta hẳn không đi tìm kiếm cửa hẹp và đường chật, và ta còn muốn tránh khỏi cửa hẹp và đường chật nữa, tương tự như tôi cứ bảo chồng tôi đi kiếm con đường rộng rãi hơn. Bởi vì ta không đi tìm kiếm cửa hẹp và đường chật, thì lẽ dĩ nhiên ta kiếm không được. Và cho dù ta tình cờ gặp được một đường chật và cửa hẹp, ta cũng không muốn đi vào! Ta cứ đi kiếm cửa rộng và đường khoảng khoát, cho nên rốt cuộc nhiều người kiếm được cửa rộng và đường khoảng khoát, mà đó chỉ dẫn đến sự hư mất thôi.

Giả tỉ ta muốn đi một nơi nào nhưng ta không biết đường, ta đi hỏi đường người ta. Người này chỉ cho ta một đường rộng, còn người kia chỉ cho ta một đường chật. Trong hai đường này thì chỉ có một đường là đường phải thôi. Ta không biết đường nào là đường phải, đường nào là đường trái, ta phải đi thử mới biết. Tôi nghĩ rằng phần đông người ta sẽ đi thử đường rộng trước, nếu đường này không được thì mới trở về đi thử đường chật. Đó là tâm lý rất thông thường của loài người.

Nhưng nhiều lúc phương pháp này thì dùng không được, nhất là khi ta muốn đi đến nước Chúa Trời để được hưởng sự sống đời đời, ta không thể đi thử đường này đường kia. Nếu ta đi trên con đường sai lầm, thì đường này sẽ đưa ta càng ngày càng xa rời chân lý, nó dẫn ta đến sự hư mất mà ta còn không hay biết nữa. Mãi cho đến tương lai vào Ngày Phán Xét, khi ta đứng trước Ngôi Phán Xét của Chúa Giê-su, lúc đó ta mới biết rằng ta đã lựa chọn con đường sai lầm, nhưng đã quá muộn rồi !

Cửa Hẹp Và Đường Chật Thì Đại Diện Cho Cái Gì ?

Cửa hẹp và đường chật, cửa rộng và đường khoảng khoát là những ví dụ mà Chúa Giê-su dùng để giảng dạy cho ta. Vậy cửa hẹp và đường chật là đại diện cho cái gì? Cửa rộng và đường khoảng khoát lại đại diện cho cái gì?

Giăng 14:6. 6 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai đến cùng Cha được.”

Chính Chúa Giê-su là đường đi, lẽ thật và sự sống, đường lối của Chúa là đường lối của lẽ thật và sự sống. Vậy cửa hẹp và đường chật chính là đường lối của Chúa Giê-su. Nhưng phần đông người đời không muốn vâng theo lời dạy của Chúa, tại vì khó quá. Chúng ta muốn đạt được sự sống đời đời bằng đường lối rộng rãi dễ đi.

Ngày nay có nhiều người nói rằng chúng ta chỉ cần tin tưởng trong đầu óc rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, Chúa đến thế gian để cứu vớt chúng ta, ta chỉ cần tin như vậy thì ta được ơn cứu chuộc, còn vâng phục lời dạy của Chúa là không cần thiết cho sự cứu chuộc. Những lời này có phải chân thật không? Kinh Thánh có giảng dạy như vậy không?

Ma-thi-ơ 28:19 – 20. 19 Vậy hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đồ ta, hãy nhân Danh Đức Cha, Đức Con, và Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết tất cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.

Đoạn Kinh Thánh này là lời nói ra từ miệng của Chúa Giê-su, Chúa dạy bảo chúng ta phải giữ hết tất cả mọi điều mà Chúa đã truyền cho ta.

Rô-ma 1:5. 5 nhờ Chúa chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ để vì danh Chúa mà đem mọi dân tộc đến sự vâng phục của đức tin.

Xin các bạn để ý những chữ này “sự vâng phục của đức tin”. Sự vâng phục này là từ một đức tin chân thành mà ra.

Rô-ma 16:26. 26 mà bây giờ được khải thị bởi các sách tiên tri, và theo lệnh của Chúa Trời hằng sống, cho mọi dân tộc nhận biết để đem họ đến sự vâng phục của đức tin,

Câu Kinh Thánh này lại một lần nữa nói đến “sự vâng phục của đức tin”. Một đức tin chân thành sẽ dẫn đến sự vâng phục, sự vâng phục là sự thể hiện ra bên ngoài của một đức tin chân thành ở bên trong. Nếu ta thật sự tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su thì ta vâng phục lời dạy của Chúa.

Cả 3 đoạn Kinh Thánh trên: Ma-thi-ơ 28:19 – 20, Rô-ma 1:5Rô-ma 16:26 đều chỉ ra rằng ta phải vâng phục lời dạy của Chúa Giê-su.

Khi ta tin rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, Chúa đến thế gian để cứu vớt chúng ta, một niềm tin như vậy là rất tốt, nhưng đó chưa phải là một đức tin chân thành trong Kinh Thánh. Một đức tin chân thành gồm có sự vâng phục lời dạy trong Kinh Thánh, ấy là sự vâng phục phát xuất từ một đức tin chân thành.

Ma-thi-ơ 7:21. 21 “Không phải hễ ai nói với ta rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ vào nước Thiên Đàng đâu, nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời.

Chúa Giê-su nói rằng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ở trên trời mới được vào nước Thiên Đàng, chứ không phải hễ ai cứ nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa” đều sẽ vào nước Thiên Đàng đâu. Còn ngày nay có nhiều người nói rằng ta chỉ cần thừa nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của ta, thì ta được ơn cứu chuộc rồi.

Những điều dạy ngày nay chính là cái cửa rộng và đường khoảng khoát. Chúng ta thích cửa rộng và đường khoảng khoát, bởi vì dễ đi hơn. Nếu cánh cửa và con đường rộng đến nỗi ta có thể lái xe vào thì càng hay, ta không cần phải đi bộ, ta cứ ngồi trong xe là được rồi. Ta thích cái này, cho nên ta lựa chọn con đường này. Nhưng Chúa Giê-su nói con đường này chỉ dẫn đến sự hư mất thôi.

Còn lời dạy chân chính của Chúa Giê-su là cửa hẹp và đường chật, khó vào và khó đi. Chúng ta không thích cái này, cho nên rất ít người lựa chọn con đường này. Nhưng Chúa nói rằng con đường chật này sẽ dẫn đến sự sống.

Ta Phải Kiên Trì Đi Trên Con Đường Chật

Hơn nữa ta phải để ý rằng không những chỉ là vào cửa hẹp thôi, mà ta còn phải đi trên con đường chật nữa. Vào cửa hẹp chỉ là một lần thôi, ta không có đi ra đi vô hoài. Nhưng sau khi ta đi vào cửa hẹp rồi, ta không có đứng ở chỗ đó hoài, ta phải tiếp tục đi trên con đường chật.

Vào cửa hẹp thì tương đương với ăn năn hối cải, phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn vào trong tay của Chúa Trời, và chịu phép báp-tem. Đó chỉ là bước đầu tiên thôi. Còn đi trên con đường chật thì tương đương với sống một cuộc đời vâng phục lời dạy của Chúa Giê-su, đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Đây chính là điều ta phải để ý cẩn thận. Có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc cũng đi vào cửa hẹp rồi, nhưng họ không hoàn thành chuyến đi trên con đường chật này. Có người đi được phân nửa thì không muốn đi nữa, vì suốt đời vâng phục lời dạy của Chúa Giê-su thì khó quá. Trong Tân Ước của Kinh Thánh đã có hai thí dụ rất thê thảm: Một là Giu-đa, môn đồ đã phản nghịch Chúa Giê-su; hai là Đê-ma, người đã lìa bỏ sứ đồ Phao-lô.

Giu-đa cũng đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giê-su, nhưng sau cùng người lại phản nghịch Chúa và nộp Chúa cho bọn thầy tế lễ cả để lấy món tiền 30 bạc! Xấu hổ thay! Tại sao người bỏ dở nửa chừng và còn phản nghịch Chúa nữa? Tại vì con đường khó quá, người không muốn đi nữa, hơn nữa tánh của người ham tiền, người vốn là tay trộm cướp.

Giăng 12:6. 6 Người nói vậy, chẳng phải vì quan tâm cho kẻ nghèo đâu, nhưng vì người vốn là tay trộm cướp, và giữ túi bạc, người trộm lấy tiền của người ta để ở trong.

Người đó chính là Giu-đa, người từng trộm lấy tiền của trong túi bạc. Sau cùng người quyết định không đi trên con đường chật này nữa, người nộp Chúa Giê-su đi để lãnh lấy một món tiền 30 bạc. Rốt cuộc Giu-đa té xuống mà chết đi.

Còn Đê-ma là người phụng sự cùng với sứ đồ Phao-lô, về sau người lìa bỏ sứ đồ.

2 Ti-mô-thê 4:10. 10 vì Ðê-ma đã lìa bỏ ta rồi, tại người ham hố đời nầy, và đã đi qua thành Tê-sa-lô-ni-ca. Cơ-rết-xen đi qua xứ Ga-li-lê, còn Tít thì đi xứ Ða-ma-ti rồi.

Trong đoạn Kinh Thánh này sứ đồ Phao-lô nói rằng Đê-ma đã lìa bỏ sứ đồ rồi. Tại sao vậy? Tại vì người ham hố hưởng thụ của đời này, cho nên người quyết định trở về đường lối của thế gian.

Câu chuyện của hai người này là một cảnh cáo cho chúng ta, ta chớ nghĩ rằng ta đã vào cửa hẹp rồi thì không sợ gì nữa. Hỡi các bạn ơi, vào cửa hẹp chỉ là bước đầu tiên thôi, ta phải suốt đời vâng phục lời dạy của Chúa Giê-su và đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Ta Phải Làm Gì Để Tránh Khỏi Đi Lạc Vào Đường Lối Sai Lầm ?

Làm sao mà ta có thể biết được ta đang đi trên con đường phải hay con đường trái? Có những điều gì ta phải coi chừng để tránh khỏi đi lạc vào đường lối sai lầm?

1. Ta phải chú ý vâng giữ những lời dạy dỗ khó khăn của Chúa Giê-su

Trong Tân Ước có một số điều răn của Chúa Giê-su là cực kỳ khó khăn. Ta phải để ý những điều răn khó khăn này, điều răn nào càng khó khăn càng trái ngược với bản tánh dục vọng của ta thì ta càng phải chú ý ráng mà vâng giữ.

Khi đối diện với những điều răn khó khăn của Chúa Giê-su, thông thường người ta đáp ứng bằng 1 trong 2 cách : một là người ta bỏ qua những điều răn đó, họ không muốn vâng theo mà cũng không muốn nhắc đến; hai là người ta nói những điều răn đó không phải cho tất cả các Tín Đồ Cơ Đốc, Chúa Giê-su giảng dạy những điều này cho một nhóm Tín Đồ cao cấp nghe, những điều răn khó khăn này là dành cho nhóm người đó thôi.

Thí dụ trong Ma-thi-ơ 19 :16 - 26 Chúa Giê-su nói với người trẻ tuổi giàu sang rằng hãy bán hết gia tài mà tặng cho kẻ nghèo, rồi đi theo Chúa, thì người sẽ được sự sống đời đời. Điều răn này khó quá, cho nên người ta nói rằng điều răn này chỉ là dành riêng cho người trẻ tuổi giàu sang đó thôi, chứ không phải cho tất cả Tín Đồ Cơ Đốc (Tôi sẽ giải thích điều răn này trong những bài giảng kế tiếp, ở đây tôi chỉ nói sơ qua thôi). Thái độ như vậy là rất sai lầm, trong Ma-thi-ơ 28:20, Chúa nói rằng : “và dạy họ giữ hết tất cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.” Chúa Giê-su dặn bảo chúng ta phải giữ hết tất cả mọi điều mà Chúa đã truyền cho ta. Làm sao mà ta lại dám nói điều này không phải cho ta, điều kia không phải cho ta ? Khi ta tự ý lựa điều răn nào ta muốn theo thì ta theo, điều nào khó quá thì ta bỏ qua, như vậy ta đã bắt đầu lìa khỏi đường chật mà dần dần đi vào con đường khoảng khoát, đó thì dẫn đến sự hư mất.

Tôi biết rằng có một số điều răn của Chúa Giê-su quả thật là khó khăn, nhưng ta không nên cứ bỏ qua một bên. Ngược lại ta nên cầu xin Chúa Trời Gia-vê ban cho ta trí tuệ để hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của những điều răn đó và biết rõ phải thực hành bằng cách nào, và ta cầu xin Ngài ban cho ta quyền năng để vâng giữ những điều răn đó.

Đó là điểm đầu tiên, ta phải để ý vào những điều răn khó khăn của Chúa Giê-su, bởi vì chính những điều răn khó khăn này là đường chật và sẽ dẫn đến sự sống.

2. Ta phải coi chừng tiên tri giả

Ma-thi-ơ 7:15 – 20. 15 “Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ đội lốt chiên đến với các ngươi, nhưng bề trong là muông sói tham tàn. 16 Các ngươi nhờ những trái của họ mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi cây kế? 17 Vậy hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây xấu thì sanh trái xấu. 18 Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. 19 Cây nào không sanh trái tốt thì bị chặt đi và quăng vào lửa. 20 Thế thì, các ngươi nhờ những trái của họ mà nhận biết được.”

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su chỉ thị cho ta một phương cách để nhận ra những tiên tri giả, đó là xem xét cuộc đời và hành vi của họ. Nếu một người đầy tớ của Chúa Trời một mặt thì rao giảng lời dạy của Ngài, nhưng mặt khác lại có những hành vi xấu xa tội lỗi, thì ta phải cẩn thận. Người này là tiên tri giả, bởi vì Chúa Giê-su dạy rằng căn cứ vào cái trái của họ mà ta nhận ra được họ.

2 Ti-mô-thê 4:3 – 4. 3 “Vì sẽ đến một thời kỳ người ta không chịu nhận đạo lý lành mạnh; nhưng họ chiều theo dục vọng mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình để nghe những lời êm tai. 4 Họ ngoảnh tai đi không nghe lẽ thật, mà xoay hướng về chuyện hoang đường.”

Trong đoạn Kinh Thánh này sứ đồ Phao-lô cảnh cáo ta rằng trong tương lai người ta không muốn nghe những lời dạy chân thật của Chúa Giê-su, vì khó quá, cho nên họ nhóm họp những giáo sư giả xung quanh mình để kể cho họ nghe những lời êm tai và chuyện hoang đường tưởng tượng. Ta phải coi chừng những giáo sư chuyên nói những lời êm tai hợp với tư dục bản tánh của ta.

Đó là điểm thứ hai, ta phải coi chừng tiên tri giả, và ta phải tránh xa những giáo sư giả chuyên giảng dạy những lời êm tai.

3. Ta quyết tâm làm theo ý chỉ của Chúa Trời

Điểm sau cùng thì chính là một tấm lòng yêu thích lẽ thật, khi ta quyết tâm vâng theo ý chỉ của Đức Cha ở trên trời, thì ta sẽ có trí khôn để quan sát nhận xét.

Giăng 7:17. 17 Nếu ai quyết tâm làm theo ý muốn của Chúa Trời thì sẽ nhận biết lời dạy của ta có phải là bởi Chúa Trời hay là ta nói theo ý của ta.

Chúa Giê-su dạy rằng nếu chúng ta quyết tâm vâng phục ý chỉ của Chúa Trời thì ta sẽ nhận biết được lời dạy nào là lẽ thật, lời dạy nào chỉ là lời êm tai chuyện hoang đường tưởng tượng thôi.

Thí dụ: Nhiều năm về trước, tôi nghe một người giảng luận nói rằng trong những ngày sau cùng sẽ có một đường lớn dẫn đến Giê-ru-sa-lem, đường này do Chúa Trời dựng nên để dẫn đưa người dân của Ngài đến ơn cứu chuộc. Đặc tính của đường này là những người chậm chạp không thông minh thì không thể đi trên đó được. Khi tôi nghe những lời này, tôi rất kinh ngạc. Đức Cha của ta ở trên trời không phải như vậy đâu, Chúa Trời yêu thương những kẻ thấp hèn, Ngài không bao giờ khinh thường những người chậm chạp không thông minh; ngược lại Ngài quan tâm trông nom những người này nhiều hơn thì phải. Có lẽ nào mà những người chậm chạp không thông minh thì không thể đi trên con đường lớn để được ơn cứu chuộc, đó là hoàn toàn vô lý! Mặc dầu hồi đó tôi không hiểu biết nhiều về Kinh Thánh, nhưng tôi biết ngay rằng lời của ông này không phải là lẽ thật.

Bởi vậy chính là một tấm lòng kính mến Chúa Trời, yêu thương người ta, yêu thương lẽ thật là điều bảo đảm cho ta. Khi ta quyết tâm làm theo ý muốn của Chúa Trời, thì Ngài sẽ ban cho ta trí tuệ để nhận biết được lời dạy nào là bởi Ngài mà ra, lời dạy nào chỉ là ý tưởng của loài người.

Kết Luận

Con đường chật và cửa hẹp thì dẫn đến sự sống, mà cửa rộng và đường khoảng khoát thì chỉ dẫn đến sự hư mất. Khi ta vào cửa hẹp và đi trên con đường chật, thì Chúa Giê-su luôn luôn đi cùng một lượt với ta để an ủi giúp đỡ ta. Mỗi lần ta vâng giữ điều răn của Chúa, thì ta sẽ kinh lịch một niềm ngọt bùi trong lòng. Niềm ngọt bùi này các bạn không cách nào kiếm được trên thế gian này, niềm ngọt bùi này chỉ có ở trong sự hiện diện của Chúa Trời. Khi các bạn càng vâng phục Chúa Giê-su, thì niềm ngọt bùi này càng sâu đậm hơn. Chính là niềm ngọt bùi này khiến cho bước đi trên con đường chật hẹp cũng trở nên bình yên vui vẻ vậy.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church