You are here

Bài Giảng Luận Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (6)

Bài Giảng Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (6)

Lạy Cha, Xin Tha Thứ Cho Họ

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

Lu-ca 23:34 34 Nhưng Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì.” Và họ bắt thăm chia áo xống của Chúa.


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Này là một trong những câu nói sau cùng của Chúa Giê-su khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá. Câu nói này bày tỏ một tình yêu thiêng liêng và một tấm lòng khoan dung vô biên của Chúa. Trong hai ngàn năm nay, tất cả mọi người, kể cả những người thù nghịch Chúa, đều không thể chống cự lại lực lượng vĩ đại của câu nói này.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, chúng ta hãy suy ngẫm về đau thương mà Chúa phải chịu đựng để cứu chuộc chúng ta, và chúng ta nên đáp ứng lại tình yêu của Chúa như thế nào.

Ai Là Những Người Mà Chúa Giê-su Cầu Khẩn Chúa Trời Tha Thứ Cho?

Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ…” Chữ “họ” là chỉ về ai? Ai là những người mà Chúa Giê-su cầu khẩn Chúa Trời tha thứ cho?

Chúa Giê-su cầu nguyện cho tất cả những người đã lập mưu giết hại Chúa. Các bạn đừng nghĩ rằng chính là mấy tên lính La-mã đã đóng đinh Chúa trên thập giá và đã giết hại Chúa. Hỡi các bạn ơi, những tên lính đó chỉ lả chấp hành mệnh lệnh của quan tổng đốc Phi-lát thôi, mà chính Phi-lát đã bị người ta xúi giục mà ra lệnh đóng đinh Chúa Giê-su.

Lu-ca chương 22 và chương 23 thuật lại một cách tường tận quá trình Chúa Giê-su bị người Do Thái tra hỏi, rồi họ giao Chúa cho chính quyền La-ma để chịu đóng đinh. Bây giờ để chúng ta tra khảo 2 chương này.

Lu-ca 22:63 – 65 63 Bấy giờ những kẻ canh giữ Chúa Giê-su nhạo báng và đánh đập Chúa; 64 họ bịt mắt Chúa rồi nói rằng: “Hãy nói tiên tri đi, ai đánh ngươi?” 65 Họ lại nói nhiều điều báng bổ nghịch với Chúa.

Sau khi Chúa Giê-su bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê, các thầy tế lễ cả, các trưởng lão, và các tên lính đem Chúa đến nhà của thầy tế lễ thượng phẩm. Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại tình hình Chúa Giê-su bị các người đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm chế nhạo làm nhục.

Lu-ca 22:66 – 71 66 Ðến sáng, hội đồng trưởng lão của dân, các thầy tế lễ cả, và các thầy dạy Luật nhóm lại, rồi họ đem Chúa Giê-su đến trước hội đồng, hỏi rằng: 67 “Nếu ngươi là đấng Christ, hãy nói ra cho chúng ta.” Chúa đáp rằng: “Nếu ta nói ra cho các ngươi, thì các ngươi không tin; 68 nếu ta hỏi một câu hỏi, thì các ngươi không trả lời. 69 Nhưng từ nay về sau, Con của loài người sẽ ngồi bên hữu quyền năng của Chúa Trời.” 70 Tất cả đều hỏi rằng: “Vậy, ngươi là Con của Chúa Trời sao?” Chúa đáp rằng: “Chính các ngươi nói vậy.” 71 Họ bèn nói rằng: “Chúng ta đâu cần bằng chứng nữa làm chi? Vì chúng ta đã nghe từ miệng nó rồi.”

Đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 22:66 – 71 cho chúng ta thấy rằng khi hội đồng của người Do Thái tra hỏi Chúa Giê-su, họ không tìm được bằng chứng gì để buộc tội Chúa. Sau cùng họ nói rằng chỉ vì Chúa thừa nhận mình là Con của Chúa Trời, thì đó là bằng chứng Chúa đã phạm tội.

Lu-ca 23:1 – 5 1 Rồi cả đám đông đứng dậy và đưa Chúa đến trước mặt Phi-lát. 2 Họ bắt đầu tố cáo Chúa rằng: “Chúng tôi thấy người nầy xúi giục dân ta chống nộp thuế cho Sê-sa, và tự xưng là đấng Christ, là vua.” 3 Phi-lát hỏi Chúa rằng: “Ngươi có phải là vua dân Giu-đa không?” Chúa Giê-su đáp rằng: “Chính ông nói đó.” 4 Phi-lát nói với các thầy tế lễ cả và dân chúng rằng: “Ta không thấy người nầy có tội gì cả.” 5 Nhưng họ cố nài rằng: “Người nầy xúi giục dân chúng, giảng dạy khắp đất Giu-đê, bắt đầu từ xứ Ga-li-lê rồi đến tận đây.”

Sau khi hội đồng của dân Do Thái gán tội cho Chúa Giê-su, họ đem Chúa đến quan tổng đốc Phi-lát. Họ tố cáo rằng Chúa xúi giục dân Do Thái chống nộp thuế cho Sê-sa (tức là Hoàng Đế La-mã). Đó là một chuyện hoàn toàn giả dối, Chúa chưa hề chống nộp thuế cho Sê-sa, ngược lại Chúa dạy rằng người dân nên nộp thuế cho Sê-sa:

Ma-thi-ơ 22:17 – 21 17 “Vậy, xin nói cho chúng ta, thầy nghĩ thế nào? Có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không?” 18 Chúa Giê-su nhận biết ác tâm của họ, bèn nói rằng: “Hỡi những kẻ đạo đức giả, sao các ngươi thử ta? 19 Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế.” Họ đem cho Chúa một đơ-ni-ê. 20 Chúa nói với họ rằng: “Hình và hiệu nầy là của ai?” 21 Họ trả lời rằng: “Của Sê-sa.” Chúa bèn nói với họ rằng: “Vậy, hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa; và trả cho Chúa Trời những gì của Chúa Trời.”

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 22:17 – 21 chỉ ra một cách rõ ràng minh bạch rằng Chúa Giê-su dạy bảo người dân nên nộp thuế cho Sê-sa.

Bởi vậy lời tố cáo của người Do Thái trong Lu-ca 23:1 – 5 là hoàn toàn giả dối. Họ chỉ nói một điểm chân thật, ấy là Chúa Giê-su chính là Con của Chúa Trời, tức là Christ, là vua của dân Do Thái (Xin đọc bài giảng “Chúa Trời đã lập Giê-su làm Chúa Và Christ” để hiểu rõ sự liên hệ giữa các danh hiệu “Con của Chúa Trời”, “Christ” và “vua của dân Do Thái”). Bọn dân Do Thái cứ nài xin Phi-lát buộc tội cho Chúa Giê-su, họ nói Chúa đã giảng dạy khắp nơi, từ Ga-li-lê đến tận Giê-ru-sa-lem. Giảng dạy khắp nơi đâu phải là một tội lỗi ?

Lu-ca 23:6 – 11 6 Khi Phi-lát nghe điều đó, thì tra hỏi người nầy có phải là dân Ga-li-lê không. 7 Và khi người biết Chúa thuộc quyền cai trị của vua Hê-rốt, người bèn giải Chúa đến cho vua Hê-rốt, vua ấy cũng ở tại thành Giê-ru-sa-lem vào mấy ngày đó. 8 Vua Hê-rốt thấy Chúa Giê-su thì mừng lắm; lâu nay vua muốn gặp Chúa, vì vua đã nghe nói về Chúa, và vua mong được xem Chúa làm phép lạ. 9 Vua tra hỏi Chúa nhiều câu, nhưng Chúa không trả lời gì hết. 10 Các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật đứng ở đó tố cáo Chúa kịch liệt. 11 Vua Hê-rốt và quân lính của vua khinh miệt và nhạo báng Chúa, mặc áo hoa hòe cho Chúa, rồi giao Chúa về cho Phi-lát.

Khi quan tổng đốc Phi-lát nghe nói Chúa Giê-su đến từ Ga-li-lê thì người giao Chúa cho vua Hê-rốt, là người cai quan vùng Ga-li-lê. Vua Hê-rốt tra hỏi Chúa nhiều câu hỏi, nhưng Chúa không trả lời gì cả. Các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật tiếp tục tố cáo Chúa. Nhưng vua Hê-rốt cũng không thấy Chúa có phạm tội lỗi gì. Vua và các quan lính cứ chế giễu Chúa rồi giao Chúa lại cho quan tổng đốc Phi-lát.

Lu-ca 23:13 – 24 13 Phi-lát triệu tập các thầy tế lễ cả, các người lãnh đạo và dân chúng, 14 nói với họ rằng: “Các ngươi đã nộp người nầy cho ta về việc xúi dân nổi loạn, nhưng ta tra hỏi trước mặt các ngươi, ta không thấy người phạm tội ác nào mà các ngươi đã tố cáo người; 15 vua Hê-rốt cũng vậy, vì đã giao người về cho ta. Vậy, người nầy không có làm điều gì đáng chết. 16 Bởi vậy ta sẽ đánh đòn rồi thả ra.” 17 (Vào ngày lễ, ông quan phải tha một tên tù nhân cho dân chúng.) 18 Nhưng họ đồng thanh kêu lên rằng: “Hãy giết người nầy đi, mà tha Ba-ra-ba cho chúng tôi!” 19 Tên nầy (Ba-ra-ba) bị tù vì dấy loạn trong thành và vì tội giết người. 20 Phi-lát muốn tha Chúa Giê-su, nên lại nói cùng dân chúng nữa. 21 Nhưng họ kêu lên rằng: “Ðóng đinh nó trên thập tự giá! Ðóng đinh nó trên thập tự giá!” 22 Phi-lát lại nói với dân chúng lần thứ ba: “Vậy người nầy đã làm điều ác gì? Ta không tìm thấy người có tội gì đáng chết. Vậy, đánh đòn xong, ta sẽ tha đi.” 23 Nhưng chúng cố nài, kêu lớn tiếng rằng phải đóng đinh Chúa trên thập tự giá; tiếng la hét của họ được thắng. 24 Phi-lát tuyên án theo như yêu cầu của họ.

Phi-lát triệu tập tất cả những người tố cáo Chúa Giê-su lại, người nói cho họ biết rằng người không thấy Chúa Giê-su có phạm tội lỗi đáng chết, người sẽ đánh đòn Chúa rồi thả ra. Căn cứ theo điều lệ, vào ngày lễ thì ông quan phải thả một tù nhân. Nhưng dân chúng la hét yêu cầu đóng đinh Chúa Giê-su và thả một tên tội phạm Ba-ra-ba. Tên tội phạm này đã dấy loạn và đã giết người, mà dân chúng lại muốn tên này được thả ra. Cho dù Phi-lát muốn thả Chúa Giê-su, nhưng dân chúng cứ kêu la lớn tiếng đòi đóng đinh Chúa. Sau cùng, Phi-lát làm theo yêu cầu của họ.

Lu-ca 23:33 – 38 33 Khi đến một nơi gọi là Đồi Sọ, họ đóng đinh Chúa trên thập tự giá cùng với hai tên tội phạm, một tên bên hữu, một tên bên tả. 34 Nhưng Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì.” Và họ bắt thăm chia áo xống của Chúa. 35 Dân chúng đứng đó mà xem. Những người lãnh đạo nhạo cười Chúa rằng: “Nó đã cứu kẻ khác; hãy để nó tự cứu mình đi nếu nó là đấng Christ, đấng được Chúa Trời chọn lựa!” 36 Quân lính cũng chế giễu Chúa, đến gần đưa giấm lên cho Chúa uống, 37 và nói rằng: “Nếu ngươi là vua dân Giu-đa, hãy tự cứu lấy mình đi!” 38 Phía trên đầu Chúa có ghi rằng: “Đây là vua dân Giu-đa.”

Bọn quân lính La-ma đem Chúa Giê-su đến một nơi gồi là Đồi Sọ, và họ đóng đinh Chúa tại đó cùng với hai tên tội phạm. Chúa mở miệng cầu nguyện cho tất cả những người đã lập mưu gán tội cho mình và đóng đinh mình trên thập giá. Dân chúng đứng đó mà xem Chúa bị treo trên thập giá. Những người lãnh đạo và các quân lính đều chế giễu làm nhục Chúa.

Lu-ca 23:44 – 46 44 Lúc ấy khoảng giờ thứ sáu (tức là giữa trưa), khắp nơi đều tối tăm cho đến giờ thứ chín (tức là 3 giờ chiều), 45 mặt trời ngưng sáng, và bức màn trong Đền Thờ bị xé ra làm hai ngay chính giữa. 46 Chúa Giê-su bèn kêu lớn rằng: “Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha!” Chúa vừa nói xong thì tắt hơi.

Chúa Giê-su bị treo trên thập giá từ khoảng giữa trưa, mặt trời ngưng sáng, khắp nơi đều tối tăm. Đến khoảng 3 giờ chiều, bức màn trong Đền Thờ bị xé ra làm hai ngay chính giữa, Chúa Giê-su kêu lớn rằng: “Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha!”, rồi Chúa tắt hơi.

Chúa Giê-su Đã Thực Hành Điều Răn Yêu Thương Kẻ Thù Nghịch Của Mình

Qua những đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy rằng cả một đám đông người, nào là: các thầy tế lễ, các thầy dạy Luật, các trưởng lão, dân chúng Do Thái v.v. đã cùng nhau gán tội cho Chúa Giê-su, họ xúi giục quan tổng đốc Phi-lát ra lệnh đóng đinh Chúa. Phi-lát muốn làm đẹp lòng người Do Thái, người bèn ra lệnh đóng đinh Chúa Giê-su cho dù người biết rằng Chúa không có phạm tội lỗi gì cả. Những quân lính chế giễu Chúa Giê-su rồi đóng đinh Chúa trên thập giá. Tất cả những người này đã góp phần trong việc đóng đinh Chúa Giê-su.

Những người này làm sỉ nhục Chúa Giê-su và giết hại Chúa, nhưng Chúa hoàn toàn không thù ghét họ, và Chúa còn cầu xin Chúa Trời tha thứ cho họ vì họ không biết rằng Chúa Giê-su đến thế gian để cứu chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi, họ không biết rằng mình đang đóng đinh Chúa Cứu Thế của nhân loại.

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải yêu thương kẻ thù nghịch của mình, chính Chúa đã làm đúng như thế:

Ma-thi-ơ 5:44 – 48 44 Nhưng ta nói cùng các ngươi rằng: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, 45 hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ ác cùng kẻ lành, ban mưa cho kẻ công nghĩa cùng kẻ độc ác. 46 Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được phần thưởng gì đâu? Ngay cả những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? 47 Lại nếu các ngươi chỉ chào đón anh em mình mà thôi, thì có gì hơn ai đâu? Ngay cả những người ngoại há chẳng làm như vậy sao? 48 Thế thì, các ngươi hãy nên hoàn hảo, như Cha các ngươi ở trên trời là hoàn hảo.”

Chúa Giê-su yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Chúa, Chúa xứng đáng được làm Con của Chúa Trời, Chúa Cứu Thế của loài người.

Tôi Cảm Thấy Xấu Hổ Về Nỗi Bực Tức Trong Lòng Của Mình

Tình yêu thiêng liêng và lòng khoan dung vô biên của Chúa Giê-su khiến tôi cảm thấy xấu hổ về tấm lòng xấu xa của mình. Tôi nuôi dưỡng nỗi bực tức giận hờn trong lòng đối với những người đã làm tổn thương tâm hồn tôi và những người đã phạm tội nghịch cùng tôi.

Tôi có phạm tội lỗi, nhưng Chúa suốt đời không hề phạm một tội lỗi nào cả. Chính vì để chuộc tội cho loài người chúng ta mà Chúa Giê-su phải từng trải bao nhiêu đau khổ và sau cùng chịu chết trên thập giá.

Những đau thương của tôi là rất nhỏ mọn so với đau khổ mà Chúa Giê-su phải chịu đựng trong tâm hồn và thân thể. Chúa không có một chút giận hờn trong lòng, Chúa cầu nguyện cho những người đã đóng đinh Chúa, mà tôi lại cứ nuôi dưỡng bực tức trong lòng chỉ vì những tổn thương nho nhỏ của mình.

Ma-thi-ơ 6:12 12 Xin tha nợ cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha nợ cho những kẻ mắc nợ chúng tôi

Kinh Thánh so sánh tội lỗi như một món nợ. Khi chúng ta phạm tội lỗi thì chúng ta mắc nợ Chúa Trời. (Xin đọc bài giảng “Xin Tha Nợ Cho Chúng Tôi” để hiểu rõ lời giải thích).

Ma-thi-ơ 6:14 – 15 14 Nếu các ngươi tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha tội các ngươi. 15 Nhưng nếu các ngươi không tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha tội các ngươi.

Nếu tôi không tha thứ cho những người đã phạm tội nghịch cùng tôi thì tôi đã phạm tội lỗi nặng, Cha ở trên trời cũng sẽ không tha thứ tội của tôi. Ngược lại, nếu tôi tha tội cho người ta thì Cha ở trên trời cũng sẽ tha tội của tôi. Tôi chỉ có cầu xin Chúa Trời Đức Gia-vê giúp đỡ tôi tha tội cho người ta và yêu thương họ nữa.

Những Người Đóng Đinh Chúa Giê-su Một Lần Nữa Và Làm Sỉ Nhục Chúa

Chúa Giê-su tha thứ những người làm sỉ nhục Chúa và đóng đinh Chúa, ấy chính là điều mà khiến hết thảy mọi người, kể cả những người thù nghịch Chúa, đều phải khâm phục Chúa. Nhưng nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc nghĩ rằng Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su đều có lòng thương vô tận và sẵn sàng tha thứ chúng ta bất cứ chúng ta phạm tội lỗi nào. Hỡi các bạn ơi, không phải như vậy đâu!

Xin các bạn hãy đọc kỹ câu nói của Chúa: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì.” Chúa Giê-su cầu khẩn Chúa Trời tha thứ cho họ vì họ không biết rằng mình đang đóng đinh Chúa Cứu Thế của nhân loại.

Ngược lại, nếu có ai đã nhận biết Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, Chúa Cứu Thế của nhân loại mà người ấy lại đóng đinh Chúa trên thập giá thì người ấy sẽ không được Chúa Trời tha thứ nữa.

Các bạn chắc nghĩ rằng Chúa Giê-su đã chết trên thập giá 2000 năm về trước, bây giờ Chúa đang ngồi ở bên hữu của Chúa Trời Gia-vê, vậy có ai lại có thể đóng đinh Chúa trên thập giá nữa?

Hê-bơ-rơ 6:4 – 6 4 Vì những người từng được soi sáng, từng nếm ân huệ của trời, từng dự phần về Thánh Linh, 5 từng nếm lời tốt lành của Chúa Trời và quyền năng của thế hệ tương lai, 6 nếu họ lại vấp ngã, thì không thể khiến họ hồi phục lại để ăn năn hối cải, vì họ đóng đinh Con của Chúa Trời trên thập giá cho mình một lần nữa và công khai làm sỉ nhục Chúa.

Đoạn Kinh Thánh trên dạy rằng sau khi chúng ta đã được soi sáng bởi ánh sáng của Chúa Trời, từng nếm ân huệ của trời, từng dự phần về Thánh Linh tức là đã được ban cho Thánh Linh ngự trong lòng, từng nếm lời tốt lành của Chúa Trời tức là từng kinh lịch lời của Chúa Trời là chân thật, từng kinh lịch quyền năng của Chúa Trời làm biến đổi cuộc đời của mình; nếu chúng ta đã từng trải những điều này mà ta lại phản bội Chúa Trời quay lưng về Ngài, thì chúng ta không thể ăn năn hối cải. Tại vì khi chúng ta phản bội Chúa Trời thì ta đóng đinh Chúa Giê-su, Con của Chúa Trời trên thập giá một lần nữa và công khai làm sỉ nhục Chúa.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng những kẻ phạn bội này không thể ăn năn hối cải. Ăn năn hối cải là dính liền với sự tha tội, điều kiện để được Chúa Trời tha tội là phải ăn năn hối cải:

Mác 1:4 4 Giăng Báp-tít xuất hiện trong đồng vắng, truyền giảng phép báp-tem của ăn năn hối cải để được tha tội.

Lu-ca 3:3 3 Và Giăng đi khắp các vùng lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn hối cải để được tha tội,

Lu-ca 24:46 – 47 46 Chúa nói cùng họ rằng: “Có lời chép rằng: ‘đấng Christ phải chịu đau đớn, rồi đến ngày thứ ba sống lại từ kẻ chết, 47 và người ta sẽ nhân danh Chúa mà truyền giảng ăn năn hối cải để được tha tội cho tất cả các dân tộc, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.’

Ba đoạn Kinh Thánh trên: Mác 1:4, Lu-ca 3:3, Lu-ca 24:46 – 47 chỉ ra rằng ăn năn hối cải là điều kiện để được tha tội. Trong trường hợp của những kẻ đã đóng đinh Chúa Giê-su hai ngàn năm về trước, cho dù Chúa đã cầu khẩn Chúa Trời tha thứ cho họ, nhưng họ cũng phải ăn năn hối cải rồi mới được tha tội, họ không phải tự nhiên mà được Chúa Trời tha tội.

Đoạn Kinh Thánh trên Hê-bơ-rơ 6:4 – 6 nói về những kẻ phản bội Chúa Trời và quay lừng về Ngài sau khi họ đã kinh lịch ân điển của Ngài, họ làm như vậy là đóng đinh Con của Chúa Trời một lần nữa và công khai sỉ nhục Chúa. Những kẻ này sẽ không thể ăn năn hối cải. Nếu họ không ăn năn hối cải thì họ không được tha tội, họ sẽ bị diệt vong trong lửa hừng.

Hê-bơ-rơ 10:26 – 27 26 Tại vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi ta đã nhận biết lẽ thật, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27 chỉ có đợi chờ kinh khiếp sự phán xét và lửa hừng sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi!

Cố ý phạm tội có nghĩa là gì? Khi chúng ta nhận biết lời dạy công nghĩa trong Kinh Thánh, chúng ta biết điều gì là tội lỗi và điều gì là công nghĩa, nhưng chúng ta lựa chọn một cuộc sống tội lỗi, thì đó là cố ý phạm tội. Đoạn Kinh Thánh này nói rằng những người cố ý phạm tội sau khi đã nhận biết lẽ thật thì sẽ không được chuộc tội nữa, họ chỉ có chờ đợi lửa hừng đốt cháy vào Ngày Phán Xét thôi.

Chúng Ta Nên Đáp Ứng Lại Tình Yêu Của Chúa Giê-su Như Thế Nào?

Chúa Giê-su chịu sỉ nhục công khai và chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho chúng ta. Chúa khoan dung những kẻ đã đóng đinh Chúa, Chúa cầu khẩn Chúa Trời tha thứ cho họ. Khi chúng ta kỷ niệm Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, chúng ta nên đáp ứng lại tình yêu của Chúa như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta nên tự xem xét tâm hồn của mình, nếu chúng ta có nuôi dưỡng bực tức thù giận đối với những người đã xúc phạm mình thì chúng ta phải ngay lập tức thú nhận tội lỗi của mình trước mặt Chúa Trời, ăn năn hối cải và cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi của mình.

Thứ hai, chúng ta cầu xin Chúa Trời giúp đỡ chúng ta:

  • tha thứ những kẻ đã phạm tội nghịch cùng chúng ta
  • yêu thương những kẻ thù nghịch của mình và cầu nguyện cho họ
  • vâng theo lời dạy của Chúa Trời và gìn giữ trung tín với Ngài cho đến cùng
  • và đừng bao giờ cố ý phạm tội.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church